Rong ruổi chợ phiên
Trong tiếng gà gáy buổi sớm tinh mơ, theo bà, theo mẹ quang gánh đi chợ phiên - đó là miền ký ức của những cô bé, cậu bé vùng quê một thời. Chợ phiên ở quê cũng chỉ có dăm bảy món hàng, vài chục khuôn mặt thân quen, ấy thế mà đi chợ phiên lạ lắm.
Đi chợ phiên
Chợ phiên ở Bình Định bây giờ không còn sầm uất như xưa, nhưng với thói quen họp chợ ngày phiên, chợ phiên vẫn còn ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Hàng bán ở chợ phiên không phong phú lắm, người bán quen mặt người mua, ấy thế mà hễ ai vắng là người đến chợ sẽ điểm đúng từng người.
Chợ tre An Lương ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ nhóm vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng; bày bán tre và các sản phẩm từ tre. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Trên chiếc xe đạp chất cao hai chồng nón lá, chị Nguyễn Thị Dung (thôn Phú Gia, Cát Tường) dẫn chúng tôi đi chợ nón - phiên chợ nón đêm nhóm họp ở xã Cát Tân (Phù Cát) vào ngày 5 hàng tháng, cứ 5 ngày thì nhóm 1 phiên. Gọi là chợ phiên, nhưng chỉ nhóm họp một nhóm nhỏ trong khu chợ của xã, chừng đâu 20 - 30 người bày bán các nguyên liệu làm nón như giang, lá kèo, cước, chỉ, khung tre và nón lá thành phẩm. Nắm lá kèo nay tốt quá, màu xanh này đẹp nè. Sao giang bận này nhỏ quá, cước này mảnh hơn trước nhỉ… đó là cách mà bạn hàng ở chợ phiên hỏi thăm nhau. Cả một buổi ở phiên chợ, mặt hàng bán là nón và nguyên liệu làm nón, không có kì kèo giá cả, không nói thách trả treo.
Chợ nón đêm Cát Tân.
Cái vui của người đi chợ phiên là để gặp nhau, để nói về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Một thương lái thắp ánh đèn dầu rọi nón, vừa xoay vòng chiếc nón trên tay, bà bảo, đèn điện không “ăn” được đèn dầu trong khoản xem nón này đâu. Soi ngọn đèn vàng leo lắt này chớ thấy được lớp lá mịn, đường chỉ khâu có vừa chưa. Người đi chợ nón Cát Tân từ Cát Tường, Cát Tân, Cát Trinh (Phù Cát), người ở Gò Găng (An Nhơn), người trên Thuận Hạnh (Bình Thuận, Tây Sơn) nhóm về đây mỗi phiên chợ. Nào đâu phải đi chợ là cứ bán, mua; đi chợ về nhớ, vì quen thế rồi. Nhiều người bảo với tôi rằng, trước họp chợ đêm là để ban ngày ra đồng, nay họp đêm là muốn giữ lại một nét sinh hoạt đẹp nơi thôn dã.
Gọi là chợ nhưng chất thương mại có vẻ như đã nhường chỗ cho nét sinh hoạt văn hóa. Như chia sẻ với cảm nhận của tôi, chị Dung tâm tình: “Chợ thì họp từ sáng đến chiều, tạp hóa phong phú, người ta không thiếu thốn hay chực chờ đến chợ phiên như thuở trước. Sản phẩm làm ra có người tới mua tận nhà, ấy thế mà không phiên chợ nào tôi bỏ. Đi chợ vì nó là một phần trong sinh hoạt, trong nếp sống của dân làng nón Phú Gia này mà”. Một phiên chợ như thế thì ta có nên một lần trải nghiệm không?
Lưu giữ hồn quê
Rất nhiều thứ mà những đứa trẻ từng thấy được ở chợ phiên, nay trở thành những mảnh ghép ký ức in sâu vào tâm hồn, để rồi lớn lên, đi đâu, ở đâu nếu có dịp về quê lại lục đục kéo nhau đi chợ phiên. Khi còn đang mơ màng lạc vào miền ký ức của chợ phiên, người bạn đời thương quý của tôi ngỏ lời rủ rê - hay là mình đi chợ phiên Phù Mỹ. Chợ phiên ở Phù Mỹ mà anh nhắc là chợ tre An Lương (xã Mỹ Chánh) nhóm họp vào ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch. Rồi thì còn là chợ cá sáng ở Mỹ Cát, Mỹ Thành - nơi bày bán sản phẩm cá chua nổi tiếng của Phù Mỹ. Đi hết chợ phiên ở Phù Mỹ mình sẽ ghé chợ muối nằm sát đồng muối Đức Phổ 1 (Cát Minh, Phù Cát).
Điều đặc biệt của các buổi chợ phiên ở Đông Phù Mỹ là thường được nhóm ở khu vực sát đầm Đạm Thủy như chợ tre, chợ cá chua sáng Mỹ Thành, Mỹ Cát. Từ đây, du khách có dịp chiêm ngưỡng cánh đồng muối lớn nhất tỉnh Bình Định trải từ Cát Khánh (Phù Cát) sang Mỹ Thành (Phù Mỹ).
Cái hay của chợ phiên Đông Phù Mỹ là phần nhiều đều nhóm họp ở vùng ven đầm Đạm Thủy. Cho nên bước bên này cầu là đất Phù Mỹ, nhưng sang bên kia cầu đã là huyện Phù Cát. Buổi sáng đi chợ, xem cảnh bán mua, gặp những bạn cũ, ăn vài món quê ngon, rồi lang thang qua các vùng quê; chiều ra đồng muối, lội đồng theo diêm dân gánh muối.
Chúng tôi biến một lần đi chợ thành một vùng gắn kết yêu thương, bạn cũng có thể như thế!
Một gợi ý cho bạn khi đi chợ phiên là nên chọn điểm dừng chân. Nếu chọn đi chợ phiên kết hợp thăm thú các miền quê, thì nên chọn đi riêng lẻ từng phiên chợ. Nếu đi phiên Phù Mỹ nên chọn đi vào ngày nhóm chợ tre An Lương (nhóm vào ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch), kết hợp đi chợ cá chua sáng ở Mỹ Thành, Mỹ Cát, ghé thăm chợ muối Cát Minh. Từ trên trục đường này, bạn có thể thăm thú nhiều nơi có cảnh trí xinh đẹp, thú vị. Nếu đi chợ phiên Phù Cát nên đi vào ngày 5, cứ 5 ngày nhóm 1 phiên chợ nón, kết hợp với đi chợ là thăm các làng nghề làm nón truyền thống quanh vùng.
THU DỊU