Phía sau một cuộc đời bị bạo hành
Bà Đ.T.L. trong căn chòi tạm bợ.
Ly hôn, đối với một số người là một cuộc giải thoát từ tinh thần đến thể xác, sau nhiều năm cắn răng chịu đựng nhau vì nhiều lý do. Nhưng với bà Ð.T.L. (60 tuổi, ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) thì dù đã được giải thoát khỏi người chồng tàn nhẫn, nhưng nỗi đau về tinh thần và nỗi lo không chốn dung thân vẫn còn đeo đẳng.
Gần 40 năm bị bạo hành
Căn lều được quây tạm bằng tấm bạt nylon xanh đứng chơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Cửa ra vào là vỏ bao xi măng ghép lại với nhau, khép hờ. Trên nền đất được cào vội, rộng chừng 15m2 đặt một cái chõng tre, một ghế xếp, một tủ búp phê dán mica rẻ tiền. Không điện, không nước.
Gần 5 giờ chiều, L. - đứa con gái út của bà Đ.T.L. mới lùa đàn bò 6 con về chuồng, rồi quẩy quả đi vo gạo, nhóm lửa nấu cơm. L. đang học lớp 11. Đôi mắt em như tối thêm trong ánh chiều nhập nhoạng, khi tôi hỏi về cuộc sống của mấy mẹ con kể từ khi ba mẹ ly hôn: “Sau khi ba mẹ ra tòa ly hôn thì ba anh em ra đây ở với mẹ. Ba đánh đuổi, không cho bọn em ở trong nhà nữa. Sống ở đây không có điện, thiếu thốn đủ bề, nhưng em thấy thoải mái vì không còn chứng kiến cảnh ba đánh, chửi mẹ như trước nữa…”.
Khắc khổ và già xọm là những gì tôi trông thấy ở vẻ ngoài của bà Đ.T.L. khi bà vác ngọn mía về cho bò ăn. Nước mắt bà lặng lẽ chảy khi kể về cuộc hôn nhân 40 năm đầy thống khổ, bi oán: “19 tuổi tôi lấy chồng, 20 tuổi sinh con đầu lòng. Kể từ đó, tôi thường xuyên bị bạo hành về tình dục”. Chồng của bà nhu cầu sinh lý rất mạnh, đêm nào cũng “đòi hỏi” vài lần, bà L. không “cho” cũng không được. Đã vậy, ông còn có máu ghen và nhục mạ vợ bất kỳ lúc nào mỗi khi cảm thấy vợ không “toàn tâm toàn ý” với mình, cho dù là những lúc bà mỏi mệt nhất.
Đứa con thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba ra đời, bà L. cũng đã nhiều lần tính đường thoát thân. Nhưng, vì sợ hãi, vì được người thân khuyên bảo ráng vì con mà chịu đựng nên những đứa con của ông bà nối nhau ra đời, cho đến đứa thứ... 8. Khổ nỗi, bà vắt sức làm lụng nuôi đàn con đến kiệt cả người, cộng với sức khỏe suy yếu theo tuổi tác, khiến bà không còn “kham” nổi nhu cầu của chồng, trong khi ông chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Bà càng lẩn tránh, thì chồng càng nghi ngờ, rằng bà đã có “ai đó” nên mới “hờ hững” như vậy. Những cuộc bạo hành về tinh thần, vì vậy, ngày đến một nhiều hơn. Có khi ông cầm cả xoong cá kho ném vào người bà, thậm chí đi tiêu đi tiểu ngay trong nhà cốt trả thù để cho bà phải khổ sở. Cho đến lúc bà không chịu đựng được nữa làm đơn báo với chính quyền, báo với Hội Phụ nữ xã… Họ hướng dẫn bà đến TAND huyện Vân Canh xin ly hôn. Tháng 8.2013, tòa tuyên quan hệ vợ chồng giữa họ đã kết thúc về mặt pháp luật.
Nỗi đau vẫn còn
Đêm xuống. Bóng tối bao trùm cả cánh đồng. Ánh điện le lói của nhà gần nhất cũng không thể chiếu đến căn lều mấy mẹ con bà đang ở. Bà L. đi lấy đèn thắp. Ánh sáng vàng vọt từ ngọn đèn dầu hắt lên gương mặt người đàn bà khắc khổ.
Bà L. tiếp tục câu chuyện dở dang: “Tòa tuyên tài sản vợ chồng chia hai, chỉ còn căn nhà là đáng giá mà thôi. Nhưng tôi đâu có đủ tiền thối lại cho ổng để được lấy cái nhà. Mà, nếu ngăn nhà ra làm hai, mỗi người sống mỗi bên thì với tính cách của ổng, mấy mẹ con tôi không thể nào sống nổi. Vậy nên, tôi mới ra đây, che tạm cái lều này để mấy mẹ con nương nhau. 5 đứa lớn đã có gia đình thì không nói, còn 3 đứa: một thằng 25 tuổi, đứa con gái 20 và đứa út học lớp 11, cũng theo tôi ra đây. Ban đêm ba mẹ con tôi ngủ trở đầu trên cái chõng tre. Thằng con trai ngủ ở ghế xếp. Tài sản đáng giá nhất mà tôi mang theo sau khi ly hôn là mấy con bò, nhưng thực ra là của hai đứa con lớn gửi nuôi giùm”.
Tôi hỏi tại sao bà không sớm báo chính quyền, phụ nữ thôn nhờ can thiệp chuyện bị chồng bạo hành đến khổ sở, bà L. lặng lẽ: “Tôi sợ hãi và xấu hổ, vì không lẽ đi kể chuyện mình bị chồng “đòi hỏi” nhiều đến vậy. Tôi cũng có tâm sự với mấy chị em trong xóm, nhờ họ giúp viết đơn nhưng họ bảo tôi phải tự làm”. Hai người phụ nữ hàng xóm, trạc tuổi bà L., bảo chuyện bà L. bị bạo hành thì nhiều người trong xóm biết, nhưng ai mà dám viết đơn giúp bà L. để tố cáo người chồng khi chính bà không đủ dũng cảm để tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thơm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Vinh, cũng là người họ hàng xa với chồng của bà L. là ông T.Đ.Q. (trên 60 tuổi), xác nhận: “Chuyện bị bạo hành về thân thể mọi người có thể thấy được, chứ bạo hành về tình dục và tinh thần thì khó phát hiện, nhất là khi nạn nhân cố chịu đựng, giấu giếm. Cách đây khoảng hơn một năm, bà L. đã báo với chi hội nông dân, với phụ nữ thôn về chuyện mình bị bạo lực tình dục và tinh thần. Chi hội phụ nữ thôn báo với Hội Phụ nữ xã. Sau đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu ông Q. đến để hòa giải nhưng lần nào ông cũng tỏ thái độ bất hợp tác. Thấy tình hình quá căng thẳng, chúng tôi đã hướng dẫn bà L. làm các thủ tục cần thiết để ly hôn. Các con của bà cũng xác nhận tình trạng mẹ bị bạo hành, và đồng tình với giải pháp đó”.
Bà L. tâm sự, gần 3 tháng kể từ khi ly hôn, bà ăn ngon, ngủ yên. Thoát khỏi người chồng hung bạo, giờ đây, nỗi lo tiếp theo của bà là chỗ ở, vì mảnh đất dựng lều là bà đang chiếm dụng bất hợp pháp. Cả nỗi lo về cái lều tạm bợ nữa, bởi: “Trời mưa dột mẹ con tôi cố chịu được, chỉ sợ khi gió bão mạnh thổi tung lên thì mấy mẹ con biết ở đâu”. Rồi bà tha thiết: “Tôi chỉ mong được có chỗ ở ổn định để làm lụng nuôi con nhỏ út học hành”.
THU HÀ