Bệnh sốt xuất huyết diễn biến bất thường
Tăng vọt từ đầu năm 2019, đến nay, tình hình sốt xuất huyết Dengue vẫn diễn biến phức tạp. Sở Y tế nhận định, có nguy cơ sốt xuất huyết sẽ lan rộng, bùng phát thành dịch ngay trong mùa khô.
Đến chiều 18.4, toàn tỉnh có 2.660 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngành Y tế đã xử lý 131 ổ dịch. Như vậy, chưa hết 4 tháng đầu năm, số ca SXH đã bằng 80% của cả năm 2018 (3.219 ca); chiếm hơn một nửa đỉnh dịch năm 2016 (4.679 ca).
Lượng bệnh nhân mắc SXH điều trị tại TTYT TX An Nhơn vẫn chưa giảm.
Lập đỉnh ngay mùa khô
Với 689 bệnh nhân, TX An Nhơn trở thành “điểm nóng” SXH của tỉnh. Đỉnh điểm ca bệnh được xác lập ngay ở tuần thứ 3 của năm 2019 (70 ca/tuần), cao hơn đỉnh dịch tuần thứ 3 năm 2016 (68 ca/tuần). Theo bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc TTYT TX An Nhơn, sau khi phun hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH cho các xã, phường: Đập Đá, Nhơn Hậu, Bình Định, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh, Nhơn Hưng, Nhơn Phong, số ca bệnh giảm nhưng rất chậm. Thị xã cũng đã xử lý 20 ổ dịch SXH, tăng 19 ổ dịch so cùng kỳ năm ngoái.
“Theo chu kỳ, SXH bắt đầu vào tháng 7 - 8 hằng năm, đỉnh điểm dịch rơi vào tháng 10 - 11, và giảm dần sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay số trường hợp mắc bệnh lập đỉnh ngay từ tháng 1, đến giờ vẫn chưa “hạ nhiệt”. Điều này khá bất thường!”, bác sĩ Bảy nói.
Chiều 19.4, khoa Truyền nhiễm, TTYT TX An Nhơn còn 41 bệnh nhân điều trị SXH, chiếm hơn nửa số bệnh nhân của khoa. Bà Bùi Thị Triều (77 tuổi, phường Nhơn Hưng) cho biết: “Tôi vào viện ngày 16.4 do sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, kiểm tra mới biết là SXH”. Bác sĩ điều trị Cao Trọng Nghĩa thông tin, lượng bệnh nhân SXH nhập viện giảm không nhiều. Diễn biến SXH nhanh và khó lường, trung bình mỗi tuần chuyển viện lên BVĐK tỉnh 7 - 10 bệnh nhân nặng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bình Định nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có số ca mắc SXH tích lũy/100 ngàn dân cao nhất; gấp gần 5 lần số mắc cùng kỳ năm ngoái. Giám sát của Viện Pasteur Nha Trang, chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng tại Bình Định đều vượt ngưỡng, cao nhất khu vực miền Trung. “Trong 4 tuýp vi-rút gây bệnh, tuýp D2 chiếm ưu thế làm tăng mức độ cảm nhiễm và bệnh nặng hơn”, ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay.
Chủ động phòng chống ngay từ gia đình
Tốc độ tăng của SXH đang chậm lại và chưa ghi nhận tử vong, nhưng ông Bùi Ngọc Lân nhận định điều kiện khí hậu thất thường, cùng thói quen trữ nước sinh hoạt của người dân và ý thức loại bỏ các ổ lăng quăng tại hộ gia đình chưa cao tạo điều kiện cho véc-tơ truyền bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát trùng với chu kỳ dịch SXH năm 2019. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức, vào cuộc kiên quyết của chính quyền các cấp và cộng đồng.
Huyện Hoài Nhơn đứng sau TX An Nhơn về SXH (459 ca). Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT huyện, tất cả các ban, ngành, địa phương đều vào cuộc xử lý SXH, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Huyện đã phun hóa chất diệt muỗi tại 25 ổ dịch và 3 khu vực nguy cơ cao; chủ động xử lý trên quy mô toàn xã tại các địa phương: Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương.
Còn bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn chia sẻ, thành phố đã ra quân xử lý 11 ổ dịch SXH. Đồng thời, ưu tiên tập trung tuyên truyền, vận động người dân loại bỏ các ổ lăng quăng tại hộ gia đình, sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi...
Với “điểm nóng” An Nhơn, tất cả ban, ngành, địa phương phải phối hợp với ngành Y tế duy trì diệt lăng quăng 2 lần/tuần ở những nơi có ổ dịch và 2 tuần/lần ở địa bàn chưa có ổ dịch. Tổ chức từng nhóm diệt bọ gậy tại cộng đồng gồm nhân viên y tế, cán bộ thôn và các đoàn thể đến từng nhà, từng cơ quan, trường học. Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Đào Xuân Huy nhấn mạnh, tất cả các xã, phường xác định phòng, chống SXH là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; địa phương nào để SXH bùng phát, lây lan thành dịch lớn, hoặc tử vong do chủ quan với SXH thì người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Nhấn mạnh tính chủ động, sự quyết liệt trong nỗ lực phòng chống SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho biết: “Sở yêu cầu tất cả các đơn vị tăng cường giám sát bệnh nhân SXH tại cơ sở điều trị và cộng đồng; phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nặng. Phân tích diễn biến, nhận định tình hình; chủ động giám sát ổ dịch, các điểm nguy cơ, không để ổ dịch lan rộng, kéo dài. Tăng cường truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng trong xử lý dịch tại địa phương”.
MAI HOÀNG