Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm: Cần được đầu tư đúng mức
Phần lớn các hộ dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đều đang sử dụng chung hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước từ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn tại nhiều loại vi khuẩn, vi-rút có hại đã và đang là tác nhân gây hại cho tôm nuôi.
Phần lớn hệ thống kênh mương thủy lợi ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước đều được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Vừa xử lý xong ao nuôi tôm bị dịch bệnh, nhiều hộ dân ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước lại tất bật mua tôm giống về thả nuôi. “Thả tôm được chừng 1 tháng thì bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng, khi tôm bị vi-rút này tấn công thì khó cứu vãn được, việc xử lý nước trong ao cũng vất vả hơn nhiều so với tôm bị bệnh môi trường”, ông Lê Hồng Nhơn, một hộ dân ở Phước Hòa chia sẻ. Các hộ nuôi tôm gần kề cũng lo sốt vó vì nguy cơ dịch bệnh thân đỏ đốm trắng lây lan là rất cao, trong khi vi-rút gây bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Hơn nữa các hộ dân ở địa phương đều sử dụng chung kênh mương dẫn nước.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Hiện chỉ có vùng nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng được Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng kênh mương riêng phục vụ nuôi tôm, người dân địa phương áp dụng tốt phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học mang lại hiệu quả; còn các vùng nuôi tôm khác trong huyện đều sử dụng chung kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm. Nguồn nước sau sản xuất nông nghiệp có nhiều loại vi khuẩn có hại, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ dịch bệnh tôm nuôi. Biết là vậy nhưng ngân sách địa phượng hạn chế, không thể đầu tư xây dựng kênh mương riêng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản.
Thực trạng của huyện Tuy Phước cũng là thực trạng chung tại các vùng nuôi tôm ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: Hiệu quả của mô hình nuôi tôm an toàn sinh học được thực hiện tại thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ đã được khẳng định. Nhưng rất khó nhân rộng bởi nếu vậy phải chấm dứt việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để nuôi tôm; xây dựng hệ thống kênh mương cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải riêng cho hoạt động nuôi tôm.
Hộ ông Lê Hồng Nhơn, ở Phước Hòa, huyện Tuy Phước đang xử lý ao nuôi tôm.
Chẳng những vậy mà hiện nay, người nuôi tôm cũng chưa thể đảm bảo quy trình kỹ thuật trong cải tạo ao nuôi, xử lý nước, chọn con giống, lịch thời vụ, quản lý dịch hại như mô hình nuôi tôm an toàn sinh học như ở thôn Công Lương. Đây là một lý do quan trọng khiến dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên xảy ra. Được biết, hai vùng nuôi tôm an toàn sinh học vừa kể trên (Đông Điền, Công Lương) là những địa phương được hưởng lợi từ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Coastal Resources For Sustainable Development Project - CRSD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ người nuôi tôm như thế vượt ngoài khả năng của chính quyền cấp huyện.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta, hạn chế dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức. Phần lớn hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh gây hại vật nuôi. Để giải quyết khó khăn trên, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và Cát Thành, huyện Phù Cát; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, nuôi trồng và chế biến thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Sở NN&PTNT cũng đang tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trong tỉnh và xây dựng mô hình để chuyển giao phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học cho các hộ dân ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước.
PHẠM TIẾN SỸ