5 năm hoạt động của Hội NNCĐDC/DIOXIN TP Quy Nhơn:
Ấm áp dưới mái nhà chung
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng chất độc da cam/dioxin vẫn hằng ngày hiện diện, làm đau đớn cuộc đời của nhiều người. Tại TP Quy Nhơn, với những nỗ lực của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCÐDC/Dioxin), nhiều trái tim đã được kết nối, cùng nỗ lực xoa dịu “nỗi đau da cam”.
TP Quy Nhơn là nơi tập trung cư trú nhiều cán bộ, bộ đội, du kích, thanh niên xung phong ở khắp các chiến trường, phần đông là những người bị phơi nhiễm. Số liệu điều tra ban đầu cho thấy, Quy Nhơn có 4.603 người bị phơi nhiễm chất độc này. Dù Hội NNCĐDC/Dioxin TP Quy Nhơn mới được thành lập cách đây 5 năm, nhưng nhiều người đã cảm nhận rõ rệt sự sẻ chia mà Hội mang lại.
Xoa dịu nỗi đau
Ở tuổi thất thập, nay ốm mai đau, bà Nguyễn Thị Soái (tổ 2, khu vực 2, phường Trần Quang Diệu) vẫn phải một tay chăm bẵm như con mọn cậu con trai đã… 45 tuổi. Vợ chồng cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, rồi sinh 5 người con, bà Soái không ngờ rằng con trai thứ 3 Trần Ngọc Huyên lại nhiễm chất độc da cam từ người chồng là bác sĩ quân y. Các con trưởng thành, lập gia đình, còn anh Huyên thì sống với mẹ. Anh vẫn nhận thức được mọi chuyện, nhưng tay chân cứ teo dần, quắp lại. Bà Soái bảo, cái ăn cái mặc cho con trai đã có chế độ tuất của chồng và khoản trợ cấp của anh, cộng lại khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Lo nhất là chỗ chui ra chui vào che tạm đã xập xệ, rách nát.
Tháng 8.2012, bà Soái được Hội NNCĐDC/Dioxin thành phố vận động Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kim Cúc giúp 50 triệu đồng, rồi các con góp 40 triệu đồng để xây căn nhà cấp 4. Hôm chúng tôi đến nhà, anh Huyên luôn miệng: “Vui lắm, có nhà mới là mẹ đỡ khổ!”. Còn bà Soái thì chia sẻ: “Không có sự hỗ trợ này, tôi cũng chẳng dám mơ có cái nhà vững chãi như vầy! Thằng Huyên có chỗ nằm ấm áp, chẳng sợ mưa to gió lớn nữa”.
Bà Soái là 1 trong 3 trường hợp được Hội NNCĐDC/Dioxin TP Quy Nhơn hỗ trợ tiền xây nhà. Cuối năm 2011, bà Phan Thị Trợ (tổ 21, khu vực 6, phường Trần Phú) cũng được Hội vận động Ngân hàng NN-PTNT Bình Định hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa lại căn nhà bị dột. Hội còn giúp 15 triệu đồng mua sắm vật dụng trong nhà. Bà Trợ là thương binh 4/4, NNCĐDC có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động trên 81%, sống độc thân, và thường xuyên đau ốm. Rồi trường hợp ông Bùi Đình Chuyên (tổ 28, khu vực 5, phường Nguyễn Văn Cừ) cũng được Hội hỗ trợ 10 triệu đồng góp vào tiền làm nhà. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Tỉnh hội và phường Lê Hồng Phong xây nhà đại đoàn kết với số tiền trên 50 triệu đồng cho 1 NNCĐDC ở đây.
Không chỉ hỗ trợ xây nhà, các cấp hội NNCĐDC/Dioxin còn trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi những người phơi nhiễm chất độc da cam bị ốm đau nghèo khó nhân các ngày lễ, tết. Trong 5 năm qua, cùng với xây tặng 3 nhà tình thương, Hội đã thăm hỏi, tặng quà 476 lượt NNCĐDC và người phơi nhiễm, với tổng số tiền hơn 437 triệu đồng. Ông Lê Hòe, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ. Với nhiều người, cõi đời này như địa ngục trần gian. Vì thế, mỗi một sự sẻ chia, mỗi một lời an ủi cũng giúp họ vững tin hơn để sống với đời thường”.
Kết nối những trái tim
Năm 2008, Hội NNCĐDC/Dioxin TP Quy Nhơn được thành lập. “Vạn sự khởi đầu nan”, trong nhiệm kỳ đầu tiên, kinh phí hạn chế, mạng lưới tổ chức cơ sở chưa có, cộng đồng chưa hiểu nhiều về chất độc da cam và sự đau khổ của nạn nhân nên hoạt động của Hội gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, đến nay 20/21 phường, xã của thành phố (trừ Nhơn Châu) đã thành lập Hội, với khoảng 2.000 hội viên.
Tại TP Quy Nhơn, số người được nhận hỗ trợ còn rất ít. Số nạn nhân được hưởng chế độ hằng tháng là 72 người, số con nạn nhân bị phơi nhiễm được hưởng chế độ là 84 cháu, còn rất nhiều đối tượng phơi nhiễm vẫn đang phải sống trong chờ đợi. Đây là trăn trở lớn nhất của những cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin TP Quy Nhơn.
Không chỉ tự nguyện vào hội để chăm lo cho cuộc sống, nhiều người còn tình nguyện “ăn cơm nhà vác... nỗi đau da cam”, kết nối những trái tim đến với NNCĐDC. Không chỉ trực tiếp chăm sóc những người bị ảnh hưởng nặng nề, các cán bộ Hội còn viết bài gửi báo, đài, viết thư ngỏ, gửi giấy mời và trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp. Như trường hợp nhà bà Soái, Hội nhờ người thực hiện một phóng sự ngắn phát trên đài truyền hình. Sau đó, bà Kim Cúc - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kim Cúc - xin hỗ trợ cho Hội 100 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng dành cho bà Soái làm nhà.
Đến nay, có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đến với NNCĐDC thông qua chiếc cầu nối của Hội NNCĐDC/Dioxin. “Công tác vận động không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng khi họ đã tin thì sẽ gắn bó với mình lâu dài. Ví như chị Kim Cúc vừa tích cực hỗ trợ cho các nạn nhân (150 triệu đồng), vừa giới thiệu một người bạn là chị Nguyễn Thị Ninh (ở tỉnh Nam Định) hỗ trợ cho Hội 50 triệu đồng. Hay, Ngân hàng NN-PTNT sau khi hỗ trợ 30 triệu đồng cho bà Trợ, năm rồi lại góp thêm cho Hội 10 triệu đồng, đến nay số tiền đơn vị này hỗ trợ là 60 triệu đồng. Người hỗ trợ 100 ngàn đồng, chúng tôi cũng ghi vào sổ vàng và chuyển đến nạn nhân”, ông Hòe tâm sự.
Không chỉ thế, các tổ chức Hội ở cơ sở cũng chủ động triển khai các hoạt động trợ giúp cho nạn nhân da cam. Theo ông Hoàng Văn Tuất, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin phường Nguyễn Văn Cừ, trên địa bàn phường hiện có gần 500 người bị phơi nhiễm chất độc da cam và 83 người bị bệnh nặng đang được hưởng trợ cấp hằng tháng, nhiều gia đình có đến 2-3 nạn nhân bị bệnh hiểm nghèo gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
“Ngoài các đợt vận động nhân Ngày Vì NNCĐDC 10.8 hằng năm, chúng tôi còn đặt thùng quyên góp ở các nhà hàng, khách sạn. Đến nay, đã đặt được 10 thùng, mỗi năm thu được 10-12 triệu đồng. Đây là nguồn thu quan trọng để chúng tôi lập quỹ, tổ chức hỗ trợ cho nạn nhân da cam”, ông Tuất cho hay.
NGỌC TRÂM