Hồ Tà Niêng bị bồi lấp, hàng chục hecta đất bỏ hoang
Hàng chục hecta đất nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) rơi vào tình trạng hoang hóa, nứt nẻ, không thể canh tác được là hậu quả của việc hồ thủy lợi Tà Niêng bị bồi lấp nhiều năm nay.
Hồ thủy lợi Tà Niêng được xây dựng từ năm 2002, dung tích chứa 650 ngàn m3, cấp nước tưới cho 31 ha đất sản xuất lúa và một số diện tích đất canh tác khác ở xã Vĩnh Thuận. Qua hơn 16 năm sử dụng, lòng hồ Tà Niêng đã bị bồi lấp nhiều, làm giảm đáng kể dung tích hồ chứa, gây thiếu hụt nguồn nước tưới.
Theo ghi nhận, tình trạng đất, cát bồi lấp đã chiếm khoảng 1/3 diện tích lòng hồ. Hiện nay, trong lòng hồ xuất hiện nhiều dải đất, cát rộng với khối lượng bồi lấp ước tính lên tới hàng ngàn mét khối. Đáng nói, việc lòng hồ bị bồi lấp khiến nhiệm vụ tích nước, cung cấp nước tưới rất hạn chế. Chẳng hạn như vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2018 - 2019, chỉ có 15/31 ha đất sản xuất lúa là có nước để tưới, số diện tích còn lại rơi vào cảnh hoang hóa, chết khô.
Ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Hiện nay, hồ thủy lợi Tà Niêng đã cạn nước, không thể cung cấp nước tưới cho 31 ha cây trồng vụ Hè Thu ở xã. Vừa rồi, xã đã làm việc với công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định để tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, qua làm việc, lãnh đạo đơn vị này thông báo lượng nước trong hồ chỉ đảm bảo cung cấp 2 - 3 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, diện tích này phải sản xuất tập trung, và chỉ phù hợp với cây trồng cạn như đậu xanh, đậu đen, bắp… với tần suất cung cấp nước tưới 2 - 3 đợt/vụ”.
Ông Đinh Khéo, Trưởng thôn 3, xã Vĩnh Thuận, cho hay: “Từ năm 2015 đến nay, tuy mưa nhiều, song do hồ bị bồi lấp nên khả năng tích nước chẳng là bao. Thiếu nước tưới nên nhiều diện tích đất sản xuất lúa phải bỏ hoang hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn. Tuy vậy, việc canh tác này cũng không dễ dàng, chủ yếu vẫn dựa vào “nước trời”. Mùa mưa thì còn nước nhưng đến mùa khô thì hồ lập tức bị trơ đáy, dẫn đến việc canh tác của người dân hết sức khó khăn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: “Mỗi năm, Công ty phải bỏ từ 2 - 3 tỉ đồng để nạo vét đất, cát bồi lấp trong lòng hồ Tà Niêng, đảm bảo tích đủ nước phục vụ tưới tiêu cho 31 ha đất sản xuất lúa tại xã Vĩnh Thuận. Tuy nhiên, việc nạo vét này không giải quyết dứt điểm được tình trạng bồi lấp”.
Theo ông Phú, để giải quyết tình hình thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Vĩnh Thuận, vừa qua, UBND tỉnh đã cho chủ trương xây dựng trạm bơm để lấy nước tại suối Xem cung cấp nước tưới cho một phần diện tích đất sản xuất lúa ở địa phương, bên cạnh lượng nước tích được tại hồ Tà Niêng.
“Hiện nay, Công ty đang nghiên cứu, xây dựng thiết kế để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Sau đó, Công ty triển khai việc thi công công trình”, ông Phú cho hay.
TRỌNG LỢI