Tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn: Tăng cơ hội, nhiều thuận lợi
Theo Nghị định 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ trong việc thúc đẩy chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn, việc tiếp cận gói tín dụng cho lĩnh vực này có thêm cơ hội và cũng nhiều thuận lợi hơn cho người vay vốn. Ngay khi có hiệu lực, tại Bình Ðịnh, Nghị định 116 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Với những điểm mới trong Nghị định 116, đặc biệt là việc nâng hạn mức vay không thế chấp tài sản từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho khách hàng cư trú ngoài khu vực nông thôn; tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng cho khách hàng cư trú trong khu vực nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều khách hàng tiếp cận được với gói vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Cửa đã mở rộng
Đầu tư cho “tam nông” được xác định là lĩnh vực cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), những năm qua đơn vị này được xem là đi đầu trong lĩnh vực cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Vào năm 2016, Agribank tiếp tục việc khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và nông thôn với gói tín dụng 50.000 tỉ đồng; khách hàng là các DN, HTX, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, với mức lãi suất giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Để chọn gói vay thích hợp, nhiều khách hàng đến quầy giao dịch của Nam Á Bank Quy Nhơn để được tư vấn chính xác, hợp lý. Ảnh: THU DỊU
Tại Bình Định, Agribank giữ vai trò đầu tàu trong lĩnh vực cấp vốn cho “tam nông”. Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Trưởng phòng Phòng Khách hàng, hộ sản xuất & cá nhân, thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 116) với một số sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ trước đó, Agribank Bình Định triển khai việc vay vốn, với nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết quý I/2019, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đạt 7.803 tỉ đồng, với 45.699 khách hàng được vay vốn, chiếm tỉ trọng 83,2% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 580 tỉ đồng, mức tăng tương đương 8%.
Ông Nguyễn Thế Kỷ (ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) chia sẻ, nhờ được tiếp cận vốn vay với nhiều ưu đãi của Agribank, từ vay tín chấp ban đầu với số tiền 50 triệu đồng để gầy dựng trang trại, đến nay ông đủ tài sản thế chấp để vay với mức 300 triệu đồng tại Phòng giao dịch Agribank Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), đầu tư sản xuất, mở rộng trang trại; hàng năm thu nhập của gia đình ông trên 200 triệu đồng. Với việc Nhà nước điều chỉnh nâng hạn mức như hiện tại, rõ ràng người nông dân đang đứng trước nhiều cơ hội tốt để tổ chức sản xuất, thoát nghèo vươn lên khá giả.
Trong thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, Agribank là đầu tàu nhưng không phải là duy nhất. Với Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), từ năm 2016 đến nay, ngân hàng này đã triển khai gói vay ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt, từ đầu năm 2018, Nam Á Bank triển khai gói tín dụng cho lĩnh vực này dành riêng cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên với lãi suất 9%/năm; giải ngân 85% cho chi phí đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; thời hạn vay lên tới 60 tháng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh - Nam Á Bank Chi nhánh Quy Nhơn, cho biết, đến nay tại Bình Định có khoảng 200 khách hàng đã tiếp cận gói vay này; tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là 30 tỉ đồng. “Thông qua các buổi hội thảo tại các xã, hỗ trợ người dân trong các thủ tục vay vốn, Nam Á Bank đã đưa gói vay này về tới cơ sở. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 2 buổi hội thảo tại xã Phước Thuận (Tuy Phước) và Cát Nhơn (Phù Cát); trong tháng 5 sẽ tiếp tục triển khai tại 4 địa phương gồm Quy Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh và Hoài Nhơn”, ông Hùng cho biết thêm.
Ngày 19.4, khi tôi đến quầy giao dịch của Nam Á Bank Quy Nhơn, có nhiều khách hàng đang chờ tư vấn gói vay dành cho nông nghiệp và nông thôn. Chị Nguyễn Thị Minh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) cho biết: Tôi đang cần thêm vốn để đầu tư chế biến thủy sản khô. Nghe ngân hàng này có gói vay ưu đãi nên tôi muốn nghe tư vấn cụ thể về hạn mức, lãi suất vay xem phù hợp hay không. Chưa biết cụ thể thế nào nhưng được vay trong 60 tháng thấy cũng …hấp dẫn.
Tăng cơ hội cho người vay vốn
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, đến hết quý I/2019, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 25.815 tỉ đồng với 181.018 khách hàng; trong khi đó cùng năm 2018 dư nợ tín dụng nông nghiệp và nông thôn là 19.360 tỉ đồng với 72.428 khách hàng. Nhìn vào những con số thống kê, chúng ta có thể thấy Nghị định 116 có tác động mạnh đến đâu và mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này chuyển biến tích cực như thế nào.
Lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển theo quan điểm của Chính phủ. Song trên thực tế, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao khiến các ngân hàng thương mại chưa mặn mà.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Á Bank Quy Nhơn) cho rằng, rủi ro trong tín dụng nông nghiệp và nông thôn cao hơn các ngành nghề khác là một thực tế. Bởi vậy để triển khai gói vay hiệu quả, cùng với việc tạo cơ hội cho người vay vốn tiếp cận chính sách ưu đãi, Nam Á Bank sẽ thẩm định, đánh giá về năng lực của khách hàng quy mô, bài bản hơn, bài toán về rủi ro nợ xấu được quản lý chặt chẽ hơn.
Để tăng cường vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đại diện Ngân hàng Nhà nước Bình Định cho biết tiếp tục thúc đẩy kênh tín dụng nông nghiệp và nông thôn từ phía các ngân hàng thương mại trên địa bàn; cùng với đó là việc nắm bắt tình hình về nhu cầu vốn, tuyên truyền chính sách của Chính phủ, hướng dẫn kỹ năng quản lý vốn vay…
THU DỊU