Đại tướng Lê Đức Anh và lời thề quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa
Đại tướng Lê Đức Anh thề: "Quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc".
Cuối tháng 2.1987, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân củng cố và tăng cường lực lượng phòng thủ quần đảo Trường Sa. Cuối tháng 3.1987, tôi xuống làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và chỉ thị rõ: Phải thấy hết vị trí chiến lược của biển Đông. Trước tiên, phải lo phòng thủ quần đảo Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng hải quân hùng mạnh.
Cuối năm 1987 và tháng 1.1988, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị đã tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các quân chủng: Hải quân, Phòng không và Không quân, kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa ba quân chủng để bảo vệ quần đảo Trường Sa và vùng cảng Cam Ranh.
Chiều 13.2.1988, làm việc với Tư lệnh Hải quân, tôi đã phê phán nghiêm khắc việc để mất đảo Đá Chữ Thập và giao cho Tư lệnh Quân chủng kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ngày tháng 2, đúng mùng 1 Tết Mậu Thìn, Bộ Tư lệnh Hải quân vào Sở Chỉ huy Vùng 4 ở Cam Ranh để trực tiếp chỉ huy các đơn vị. Hai ngày sau, tôi gửi báo cáo lên Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách như tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, cấp kinh phí, vật tư cho hải quân.
Ngày 22.2.1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã ký quyết định giải quyết những vấn đề cấp bách mà nhiệm vụ bảo vệ biển đảo đặt ra. Trước mắt là nhiệm vụ đóng quân trên các điểm đảo thuộc chủ quyền của ta. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã làm việc với các cơ quan nhà nước để tiếp nhận vật tư, trang bị, tài chính cho hải quân.
Ông Lê Đức Anh ở Trường Sa năm 1988. (Ảnh tư liệu)
Ngày 16.3.1988, Bộ Chính trị đã họp và có kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Từ ngày 4 đến 9.5.1988, tôi trực tiếp ra thị sát tình hình bộ đội chốt giữ ở quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 12.4, ta công bố công khai các đảo mà Việt Nam đã quản lý từ trước đến nay.
Ngày 7.5, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng tại đảo Trường Sa. Tới dự có đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các quân chủng và Tỉnh ủy tỉnh Phú Khánh. Lễ mít tinh tổ chức ngay bên cột mốc có dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, tôi đã nhắc lại: Trong những năm 1950 và 1960, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hữu nghị, tình sâu nghĩa nặng. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và có hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình. Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa...
Sau khi nêu lên sự kiện ngày 14.3.1988 vừa qua, tôi nói rằng: Tại sao một số người lãnh đạo Trung Quốc nhân danh gì lại sử dụng vũ lực xâm chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam trên biên giới Việt - Trung, chiếm quần đảo Hoàng Sa, nay lại lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam chúng ta?...
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế… Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, nhân dân và cán bộ Trung Quốc sẽ hiểu rõ sự thật... Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta...
Hôm nay, giữa trời cao, biển rộng bao la, trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!". Các chiến sĩ hải quân cùng hô vang với tôi: "Xin thề!". Tiếng hô: "Xin thề! Xin thề! Xin thề!" vang vọng cả biển trời.
Sau đó, tôi đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng các nhà giàn và bố trí lực lượng trên tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa. Anh em rất tích cực vận chuyển và xây dựng các công trình phòng thủ đảo. Các quân chủng, binh chủng: hải quân, không quân, phòng không, đặc công, thông tin đã tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ.
* Bài viết được trích từ chương 11 cuốn "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Hà Nội xuất bản năm 2015. Tiêu đề do toà soạn đặt.
(Theo VTC News)