Chuẩn bị cho mùa giải mới 2013-2014:
Bình Định “chạy đua” với thời gian
Theo quy định của Ban tổ chức giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, ngày 30.10 là thời điểm chốt danh sách các đội bóng đăng ký tham gia giải năm 2013-2014. Khoảng thời gian 3 ngày sắp tới quả thật là quá ngắn ngủi đối với đội bóng Bình Ðịnh, trong khi khó khăn về kinh phí vẫn chưa được giải quyết.
Sau cuộc họp vào chiều 18.10, UBND tỉnh đã quyết định vẫn giữ đội bóng Bình Định tiếp tục thi đấu ở giải bóng đá hạng Nhất năm 2013-2014. Về lực lượng cho đội bóng, UBND tỉnh đề nghị sử dụng số cầu thủ hiện có, đồng thời mời thêm các cầu thủ gốc Bình Định đang thi đấu ở nơi khác trở về phục vụ cho đội bóng quê hương. Ngoài ra, sẽ bổ sung thêm các cầu thủ từ tuyến trẻ. Ban huấn luyện cho đội bóng ở mùa giải mới cũng chỉ sử dụng người Bình Định. Rõ ràng, cuộc họp chưa đi đến quyết định cuối cùng, nhưng UBND tỉnh cũng đã xác định 2 vấn đề quan trọng: giữ đội bóng tiếp tục chơi ở hạng Nhất và xây dựng một đội bóng hoàn toàn Bình Định.
Sau khi tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Minh Đoan, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao, kiêm Trưởng đoàn bóng đá Bình Định, cho biết: “Chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn đăng ký, nên bây giờ mọi thứ phải thật gấp rút. Nếu Bình Định không tham gia mùa giải hạng Nhất năm nay thì sẽ bị kỷ luật xuống hạng Ba, điều đó cũng có nghĩa làm lại sẽ rất khó”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có thể Công ty Cổ phần bóng đá SQC Bình Định sẽ phải tài trợ một nguồn kinh phí nhất định cho đội bóng, dù Công ty đã xin bàn giao đội bóng lại cho địa phương.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi vào chiều 26.10, ông Võ Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao Bình Định, cho biết: “Đến thời điểm này, UBND tỉnh vẫn chưa có buổi làm việc chính thức với Công ty để đưa ra giải pháp cũng như quyết định về tương lai đội bóng Bình Định ở mùa giải mới”.
Bài toán nan giải nhất mà đội bóng cần phải tháo gỡ lúc này chính là kinh phí. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Quý, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bình Định, cho hay: “Chúng tôi đã trình lên UBND tỉnh một số phương án, trong đó nếu tiếp tục duy trì đội bóng chơi ở giải hạng Nhất thì UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, số còn lại kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Ngoài ra, chúng tôi cũng có phương án xin BTC hoãn lại cho Bình Định một năm không tham gia giải, bảo lưu kết quả để tìm hướng giải quyết”. Bên cạnh đó, Bình Định còn có một giải pháp dự phòng khác là nhờ SQC tiếp tục “bảo lãnh” với BTC giải và xin “hoãn binh” thời gian 1 tháng để CLB sắp xếp lại công tác tổ chức.
Thực tế, hiện nay mới chỉ có vài đội bóng như Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh… xác nhận sẽ tham gia giải bóng đá hạng Nhất ở mùa giải mới. Các đội bóng khác cũng đang vướng nhiều vấn đề như Bình Định nên nhiều khả năng Ban tổ chức sẽ lùi thời gian đăng ký.
CÔNG TÂM
Bóng đá đi liền… đồng tiền
Tại Hội thảo chuẩn bị cho mùa bóng năm 2014, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông báo thời hạn đến ngày 30.10.2013 cho các đội bóng tại giải vô địch và giải hạng Nhất quốc gia phải có quỹ tiền trong tài khoản là 35 tỉ đồng (V-League) và 20 tỉ đồng (hạng Nhất). Rất nhiều tiếng “thở dài” ngay sau khi nghe con số này cũng như thời hạn nộp tiền vào tài khoản, trong đó có CLB bóng đá Bình Định.
Thông tin nhà tài trợ SQC chính thức chia tay bóng đá Bình Định không làm giới mộ điệu trong tỉnh quá ngạc nhiên, bởi đây là chuyện trước sau gì cũng tới. Quan trọng là trong thời buổi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, con số 20 tỉ bằng phương thức “tự vận động” quả là bài toán khó giải với lãnh đạo Liên đoàn và CLB bóng đá Bình Định. Có thể nói, đến thời điểm này thì thời hạn 30.10 chỉ còn tính bằng giờ, trong khi bài toán kinh phí để giữ CLB Bình Định vẫn chưa được giải. Trong trường hợp được “cứu trợ” 12 tỉ từ ngân sách, CLB Bình Định vẫn cần thêm tối thiểu 8 tỉ đồng để hoàn thành hạn mức do BTC giải đưa ra.
20 tỉ đồng những năm trước không là gì với bóng đá Bình Định, từ thời của những nhà tài trợ như Hoa Lâm, Pisico, Sơn Boss, SQC; nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, đó quả là con số “làm khó” nhiều đội bóng. Đặc biệt, thời hạn 30.10 được cho là quá gấp rút để các đội bóng tại giải hạng Nhất “huy động vốn” hàng chục tỉ đồng. Để duy trì đội bóng đá Bình Định lúc này, cần sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chung tay của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để vận động doanh nghiệp bỏ tiền túi tài trợ cho bóng đá không dễ dàng gì. Làm bóng đá thời buổi suy thoái kinh tế, xem ra cũng lắm gian nan.
KIM PHƯƠNG
Tôi là người BĐ nhưng tôi thấy nản với cách làm bóng đá của giới lãnh đạo tỉnh nhà; tính bảo thủ, can thiệp sâu vào những chuyện mà mình không biết cần phải chấm dứt mới hy vọng bóng đá BĐ thoát khỏi bóng đêm hiện nay. Còn nếu cứ tiếp diễn tình trạng như thời gian qua thì 5, 10 năm sau bóng đá BĐ vẫn thế này mà thôi.
Chưa nghe thấy chủ trương tỉnh nhận lại đội bóng đá, tin này đâu ra vậy?
Thật buồn cho bóng đá Bình Định trong thời gian qua! Chủ trương của UBND tỉnh dùng toàn cầu thủ Bình Định cho đội bóng là đúng đắn. Người Bình Định sẽ ủng hộ. Nhưng Ban huấn luyện và cầu thủ phải đá bóng vì màu cờ sắc áo chứ đừng như thời gian qua là đá cầm chừng và sợ lên hạng sẽ mất vị trí đá chính.