Mở rộng nhà máy, đẩy mạnh xuất khẩu
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn, thép, thủy sản đã mở rộng quy mô, nâng công suất nhà máy với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2018) đã tạo cơ hội cho các DN Việt Nam trong đó có Bình Định mở rộng thị trường.
Nhiều cơ hội cho sản phẩm tôn, thép và thủy sản
Với CPTPP, cơ hội xuất khẩu tôn, thép của Việt Nam vào các thị trường lớn ngày càng rộng mở hơn. Đón cơ hội này, Tập đoàn Hoa Sen tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và vừa qua đã khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định, với tổng công suất 430 ngàn tấn/năm. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành Tập đoàn Hoa Sen, cho biết: Ngay từ đầu tháng 2.2019, Tập đoàn Hoa Sen đã ký hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn trị giá 3,7 triệu USD đến Mexico, đánh dấu khởi đầu tốt đẹp và mở ra nhiều triển vọng mới cho kênh xuất khẩu của Tập đoàn trong năm 2019.
Giai đoạn 2 Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội vừa được khánh thành đi vào hoạt động.
Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định có trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất của SMS - Đức và Tenova - Áo, với một dây chuyền tẩy rỉ, dây chuyền tái sinh axit, dây chuyền cán nguội 2 giá, dây chuyền mạ kẽm/hợp kim nhôm kẽm, dây chuyền mạ màu, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Với quy trình sản xuất khép kín, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra, sản phẩm đáp ứng tốt các nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 2, nhà máy cung ứng các dòng sản phẩm tôn thép chất lượng cao hợp chuẩn châu Âu (CE).
Nhân sự kiện khánh thành nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định, ngày 19.4, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục xuất khẩu 5.000 tấn tôn thành phẩm, trị giá 4 triệu USD đến Malaysia qua cảng quốc tế Quy Nhơn, tiếp tục khẳng định sức cạnh tranh của sản phẩm tôn, thép trên thị trường thế giới. Việc xuất khẩu được một lượng lớn hàng sang Mexico và Malaysia - hai quốc gia thành viên của CPTPP - tạo động lực để DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời truyền cảm hứng để các DN khác tìm kiếm cơ hội tại 10 quốc gia thành viên còn lại của CPTPP.
Cùng với nhóm sản phẩm tôn, thép, CPTPP còn mở ra nhiều cơ hội đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho hay: Để nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, công ty đang xây dựng mới một nhà máy chế biến thủy sản tại Khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm. Năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 65 triệu USD, trong đó chú trọng xuất khẩu đến thị trường CPTPP. Riêng trong quý I/2019, đơn vị đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 9 triệu USD. “Việc tham gia vào thị trường CPTPP với nhiều chính sách ưu đãi về thuế sẽ là cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với những thuận lợi, chúng tôi xác định rằng muốn phát triển bền vững phải chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo các tiêu chuẩn cao của đối tác”, bà Lan nói.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP mở ra nhiều cơ hội lớn cho DN Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có mặt tại các thị trường lớn và tiềm năng như Nhật Bản, Úc, Canada, Chile, Malaysia... Chủ động nắm bắt thời cơ và linh hoạt trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, Tập đoàn Hoa Sen đã nỗ lực phát huy 4 yếu tố quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm, gồm: Chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh và dịch vụ hậu mãi tốt.
Ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành Tập đoàn Hoa Sen, cho biết: Sau khi CPTPP có hiệu lực, sản phẩm tôn, thép mang thương hiệu Hoa Sen đã có mặt ở hầu hết các nước thành viên của CPTPP. Trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia đang là xu thế phổ biến, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, Tập đoàn còn chú trọng đến bảo vệ thị trường xuất khẩu và đạt được những kết quả rất tích cực tại các thị trường như Úc, Indonesia, Malyasia... Đáng chú ý là tại thị trường Malaysia, Tập đoàn Hoa Sen được chính thức xác định không bán phá giá và là DN duy nhất tại Việt Nam được miễn thuế bán phá giá đối với tôn kẽm nhập khẩu vào Malaysia.
Ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, nhận định: Việc CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đã tạo niềm tin, động lực mới để DN xác định ngành hàng mũi nhọn, mạnh dạn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Đó là tín hiệu tích cực góp phần tăng vốn đầu tư vào các KCN. Không chỉ vậy, CPTPP và các FTA còn buộc chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực nhiều hơn để tạo điều kiện cho các DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng lấy DN làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo điều kiện tối đa để DN phát triển, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
NGUYỄN HÂN