Lan tỏa niềm tin yêu cuộc sống
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 người khuyết tật. Sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người khuyết tật không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Từ nhỏ, ông Nguyễn Trần Thế (48 tuổi, ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) bị khuyết tật nặng với tỉ lệ hao tổn sức khỏe hơn 80%. Ông cố gắng học hết THPT rồi lập gia đình, mở vườn ươm cây giống lập nghiệp. Hiện tại, vườn ươm của gia đình ông có thu nhập mỗi năm đạt mức 100 triệu đồng. Ông Thế kể: “Dù bị tật nhưng cha mẹ tôi luôn động viên tôi học tập để mở rộng hiểu biết. Nhờ đó tôi mới đủ nghị lực học hết THPT. Với kiến thức đã có, cộng với kỹ năng tự trang bị tôi mở vườn ươm, dần dà với sự hỗ trợ của người thân, sự động viên, ủng hộ của láng giềng, bạn bè tôi mạnh dạn, tự tin gắn bó với công việc đã chọn!”.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thường xuyên hỗ trợ, trao quà động viên người khuyết tật trong tỉnh.
Trò chuyện với những người khuyệt tật, điểm chung nhất mà ai cũng tha thiết là được cộng đồng tôn trọng, sẻ chia và đồng hành chứ không phải là sự bảo bọc thương hại. Rất nhiều người sinh ra trong bình thường, tràn đầy hoài bão, ước mơ nhưng khi bất ngờ trở thành người khuyết tật, đã sống trong chuỗi ngày đau khổ, chán nản, tự ti, mặc cảm. Điểm quan trọng trong giai đoạn đó là chỗ dựa về tinh thần từ gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Đang là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, khoa Sinh, Trường ĐH Khoa học Huế, anh Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) bị tai nạn và hậu quả là liệt hai chân. Sự yêu thương của mẹ và cộng đồng người khuyết tật, nhất là nhóm Nghị lực sống Việt Nam đã “kéo” Tuấn Anh rời bỏ mặc cảm, trở về với cuộc sống. Hiện nay, Tuấn Anh tự mình trồng và chăm sóc vườn lan với hơn 100 loài khác nhau để kinh doanh và đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm CLB Chấn thương cột sống Việt Nam.
Hoặc ông Lê Văn Thanh (53 tuổi, ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) bị tai nạn lao động phải cắt bỏ chân phải. Ông Thanh kể: “Khi đi tập vật lý trị liệu ở Trung tâm Chấn thương chỉnh hình tỉnh, tôi gặp được nhiều người khuyết tật lạc quan, yêu đời, trong đó có một người con gái bị tật như tôi. Chính cô ấy đã động viên, truyền cho tôi nghị lực và tình yêu cuộc sống. Và điều kỳ diệu đã đến khi cô ấy đồng ý làm vợ tôi. Vợ chồng tôi cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Tôi mở cơ sở chạm khắc gỗ còn vợ làm ở Khoa Dược, TTYT huyện Tuy Phước”.
Ngoài ý chí, nghị lực phi thường của bản thân người khuyết tật thì sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp họ tự tin, vui sống, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội. Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, cho biết: “Trong 2 năm qua, Hội đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nhà tài trợ: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8), Chi hội Bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông (TP Hồ Chí Minh), Tổ chức kết nối châu Á (ACI), Nhóm Hoa Hướng Dương (TP Quy Nhơn), Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Định, Công ty Đầu tư kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh (Đà Nẵng), Công ty Tổ chức sự kiện Thanh Sang… Nhờ đó, Hội xây dựng 32 nhà tình thương cho người khuyết tật; trao 57 xe lăn, xe lắc; lắp chân, tay giả cho 19 người khuyết tật; tập huấn nâng cao kỹ năng sống cho 284 người khuyết tật và hơn 1 tỉ đồng trao quà, học bổng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi”.
Một số người khuyết tật được nhận hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm phát huy hiệu quả. Điển hình như ông Lê Hồng Đăng (47 tuổi, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão) làm nghề sửa xe đạp; ông Phạm Văn Phương (52 tuổi, xã Phước An, huyện Tuy Phước) làm nghề sửa xe máy; anh Phạm Trần Đại (32 tuổi, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) làm nghề hớt tóc…Từ đó, người khuyết tật đã vượt lên hoàn cảnh, truyền thêm niềm tin yêu cuộc sống cho những người xung quanh.
Tuy nhiên, số người khuyết tật ở tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vẫn chưa nhiều. Nghề truyền dạy cho người khuyết tật còn đơn điệu, chủ yếu là nghề thủ công. Do đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cần được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa; đồng thời cần được triển khai sao cho phù hợp với sở trường, hoàn cảnh của từng người.
HẢI YẾN