Chi phí logistics quá cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá
Chi phí cho việc sử dụng dịch vụ logistics quá cao đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tại Hội thảo “Tăng cường kết nối cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản & thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long” do Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 23.4, các đại biểu đã thảo luận đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành nông sản và thủy sản ĐBSCL hiện nay và tương lai.
Đặc biệt, nhu cầu về hiệu quả vận tải cũng như chi phí logistics, những thách thức trong quản trị chuỗi cung ứng hàng nông sản và thủy sản; tính kết nối hạ tầng logistics phục vụ hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL từ việc phải thay đổi tư duy đến hành động cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Thực tế hiện nay, việc chế biến cũng như dịch vụ logistics ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, chi phí còn cao; cụ thể chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng hơn 20% GDP hàng năm, trong đó chi phí vận tải chiếm hơn 60%, cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới từ 2% - 10%. Chi phí logistics quá cao đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Trương Quang Hoài Nam Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu giải pháp phát triển logistics vùng ĐBSCL.
Các đại biểu cho rằng, muốn nông nghiệp khu vực ĐBSCL cất cánh, trước hết cần phải quy hoạch một mạng lưới tích hợp giữa logistisc, giao thông vận tải và nông nghiệp.
Cụ thể, phải hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics cũng như đẩy mạnh hợp tác cạnh tranh và liên kết vùng đối với ngành logistics. Liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống logistics.
ĐBSCL cần khuyến khích áp dụng rộng rãi hệ thống quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần; Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, khai thác vận tải và xây dựng công trình giao thông; Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics về vốn, thu hút đầu tư, ưu đãi thuế, cho vay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… để triển khai xây dựng và khai thác các tập đoàn logistics, trung tâm logistics.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, các tỉnh, thành trong khu vực cần phải tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistisc.
“Với những trung tâm logistics được quy hoạch tốt và đặt ở những trung tâm chung chuyển có thể áp dụng phương thức vận tải đa phương thức, tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng hoá nông, thủy sản, nông sản. TP Cần Thơ sẽ tăng cường kết nối với tất cả các tỉnh ĐBSCL để giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá khu vực ĐBSCL nói chung và của Cần Thơ nói riêng”, ông Nam khẳng định./.
Theo Phan Ánh (VOV)