Sử dụng chế phẩm sinh học Nano Mix 607 canh tác lúa: Lợi đơn, lợi kép
Sử dụng chế phẩm sinh học không phải là chuyện mới, nhưng khi nghe nhiều nông dân tham gia sử dụng Nano Mix 607 tại các xã: Mỹ Tài, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh ở huyện Phù Mỹ đều tán dương chế phẩm này, máu tò mò nghề nghiệp buộc chúng tôi rảo thêm một lượt nữa để thực chứng.
Hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình thử nghiệm trồng lúa sạch bằng công nghệ Nano Mix 607 tại xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ).
Vụ Đông Xuân vừa qua, nhiều nông dân ở huyện Phù Mỹ đã sử dụng chế phẩm sinh học Nano Mix 607 thay thế thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và chăm sóc lúa. Theo các nhà nghiên cứu, đây được xem giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên tại Bình Định, mô hình thử nghiệm trồng lúa sạch với sự hỗ trợ của công nghệ Nano Mix 607 do Công ty CP TST Bình Định, Công ty CP Nguyễn Hoàng phối hợp ngành Nông nghiệp huyện Phù Mỹ thực hiện trên 8 ha lúa Đông Xuân tại 4 xã: Mỹ Tài, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh (2 ha/xã).
“Chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN&PTNT kêu gọi các nhà khoa học và DN ký hợp đồng chuyển giao công nghệ nano, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và nông dân để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới, nhằm hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp sạch trong tương lai”.
Ông NGUYỄN TẤN PHÁT, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT)
Ông Nguyễn Ngọc Thám, một nông dân tham gia mô hình ở thôn An Lạc 2, xã Mỹ Hòa, kể: Tôi sử dụng chế phẩm sinh học Nano Mix 607 từ khâu ngâm ủ giống, đến khi lúa đẻ nhánh, làm đòng, lên dé. Cả bón phân tôi cũng dùng phân bón hữu cơ đúng theo hướng dẫn chứ không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng trái với lo lắng ban đầu, cây lúa sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.
Một điều thú vị mà tất cả các nông dân chúng tôi gặp đều tâm đắc, đó là cảm giác an toàn khi tham gia mô hình. “Sử dụng công nghệ nano thứ nhất là không có gì khó, chỉ cần đọc kỹ các hướng dẫn của nhà sản xuất, rồi thực hiện. Khác với các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại kèm theo rất nhiều quy định, quy trình an toàn, ngược lại dùng chế phẩm sinh học nhờ rất an toàn nên tâm lý nông dân rất thoải mái.” - ông Kiều Văn Tám, ở thôn Kim Phú, xã Mỹ Tài hồ hởi trò chuyện.
Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất lúa là bước tiến mới trong việc giúp nông dân trong tỉnh ứng dụng KHKT tiên tiến trong canh tác, hướng tới mục tiêu cung ứng cho thị trường sản phẩm gạo sạch, bảo vệ toàn diện sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Công ty CP TST Bình Định cho biết: “Để động viên nông dân tham gia mô hình, cùng với việc chuyển giao công nghệ, DN đã ký cam kết với các HTXNN bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với giá mua gom 6.500 đồng/kg thóc, cao hơn giá thị trường từ 500 - 700 đồng/kg”.
Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng (Trường ĐH Khoa học Huế), thành viên của nhóm nghiên cứu Nano Mix 607 phân tích, chế phẩm sinh học này có thành phần gồm các nano bạc và titan oxit, chúng giúp cây lúa tăng sức đề kháng, gia tăng khả năng tiêu diệt các mầm bệnh, nhờ vậy cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao. Điểm đặc biệt, vì nó là chế phẩm sinh học nên trong quá trình sử dụng sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; giảm thời gian, chi phí sản xuất, giúp tăng lợi nhuận so với phương pháp canh tác lâu nay.
Cây lúa là cây trồng chủ lực của nông nghiệp Phù Mỹ, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 19.000 ha, tổng sản lượng mỗi năm khoảng hơn 10.000 tấn. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ phân tích: Lâu nay, trong canh tác, nông dân chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ, phòng trừ sâu bệnh dịch hại bằng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Đài Thơm bằng chế phẩm sinh học Nano Mix 607 dù năng suất chỉ đạt 65 tạ/ha, thấp hơn 4 tạ/ha so với sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhưng hiệu quả kinh tế lại tăng cao rõ rệt. Và điểm rất ưu việt là nó an toàn, bảo vệ sức khỏe nông dân, người dùng đồng thời đảm bảo hệ sinh thái phong phú, bền vững. Chúng tôi đang xem xét khả năng khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình, phương pháp canh tác này trên các loại cây trồng khác.
Không nên phá vỡ hợp đồng
Sau khi thống nhất với ngành chức năng, chính quyền địa phương, HTX và các thành viên HTX: Mỹ Tài, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, vụ Ðông Xuân vừa qua, Công ty CP TST Bình Ðịnh, Công ty CP Nguyễn Hoàng chuyển giao công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng chế phẩm sinh học Nano Mix 607 để sản xuất 8 ha lúa Ðài Thơm 8. Ngoài việc hỗ trợ lúa giống, chế phẩm và kỹ thuật, các DN nói trên còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thóc thịt trên thị trường từ 500 - 700 đồng/kg, tại thời điểm mua.
Kết thúc hợp đồng, trò chuyện với chúng tôi, toàn bộ các nông dân tham gia mô hình đều khen ngợi quy trình kỹ thuật canh tác, chế phẩm sinh học nhưng khi đề cập đến việc bán sản phẩm cho DN như cam kết thì cả giám đốc HTX, nông dân đều lảng tránh. Hóa ra, sau khi thu hoạch xong, phần lớn nông dân không bán lúa cho DN mà giữ lại để dùng hoặc bán cho thương lái vì chất lượng sản phẩm quá cao và được người dùng săn đón.
Sau nhiều lần huy động lực lượng, phương tiện đến từng thôn, làng để mua thóc Ðài Thơm 8 canh tác từ mô hình Nano Mix 607 nhưng các DN cũng chỉ mua được một lượng rất ít, thậm chí có xã sản xuất 2 ha lúa, nhưng nông dân tuyệt đối không bán cân thóc nào cho DN như hợp đồng. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện phía các DN tỏ ra rất thất vọng.
Hỗ trợ đầu tư và cam kết mua lại sản phẩm của nông dân với giá cao, DN đã thể hiện mong muốn hợp tác lâu dài trên tinh thần hai bên cùng có lợi, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều nông hộ đã quay lưng với DN, phá vỡ hợp đồng. Với suy nghĩ và cách làm như hiện nay, rất khó có thể mời gọi các DN tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng mà lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo. Vì vậy Nano Mix 607 có được triển khai rộng hay không đến giờ vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
MINH HẰNG
NGỌC NHUẬN - TIẾN SĨ