Ký ức hào hùng của một “chú chim én”
Chị ít khi nói về mình, về những năm tháng tuổi trẻ đầy máu lửa giữa lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế nhưng trong không khí hồ hởi chào mừng kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi may mắn được chị trải lòng về những năm tháng tham gia đội du kích quyết tử mang tên Chim Én. Câu chuyện dài của chị như những thước phim của quãng đời niên thiếu đầy máu và nước mắt mà rất đỗi hào hùng.
Chị Võ Thị Huy đang hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu đầy khốc liệt.
Chị tham gia đội du kích quyết tử mang tên Chim Én lúc mới 15 tuổi, là 1 trong 5 chiến sĩ của xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị là Võ Thị Huy, ở thôn Trường Lâm, nơi mà trong chiến tranh giặc Mỹ xem đây là “làng cộng sản chìm” nên đặt cho tên gọi là “Trường Lâm đỏ”!
“Năm 1978, chị Võ Thị Huy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi ấy chị 24 tuổi. Chị Huy là 1 trong 5 chiến sĩ ở xã Hoài Thanh được phong tặng danh hiệu cao quý này. Sau chiến tranh, chị còn tiếp tục đảm nhiệm nhiều công tác khác và về hưu với cương vị Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Nhơn”, ông Đinh Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh, cho biết.
Dù đã 67 tuổi nhưng trong chị chưa hề có biểu hiện của tuổi già. Thần thái trên gương mặt chị vẫn ngời ngời, cử chỉ hoạt bát, giọng nói trong veo. Câu chuyện của chị đã dắt tôi về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ của quân và dân xã Hoài Thanh.
Bởi được mệnh danh là “làng cộng sản chìm”, nên thôn Trường Lâm ngày xưa (giờ tách thành 4 thôn Trường An 1, Trường An 2, Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2) được địch “chăm sóc” rất kỹ.
Giặc Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm tấn bom đạn cố biến mảnh đất này thành bình địa để du kích và quân giải phóng không còn nơi trú ẩn. Những ngày ấy, đất Hoài Thanh rực lửa chiến tranh. Thế nhưng bom đạn không thể “bứng” người dân ở đây ra khỏi mảnh đất quê hương, họ kiên gan hứng chịu những trận mưa bom bão đạn, bám trụ để xây dựng cơ sở cách mạng. Với những chiến công lẫy lừng, năm 1970 thôn Trường Lâm được phong tặng danh hiệu “Thôn Thành Đồng”, đến cuối năm 1973, Hoài Thanh được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Góp phần vào chiến công của quân và dân xã Hoài Thanh có không ít xương máu của những chiến sĩ “tí hon” là đội viên của đội du kích quyết tử Chim Én. “Đội du kích quyết tử Chim Én được huyện Đội Hoài Nhơn thành lập vào năm 1969 tại nhà bà Lê Thị Đặng, một cơ sở cách mạng tại thôn Trường Lâm. Dù do huyện Đội thành lập nhưng đội viên chủ yếu là người ở xã Hoài Thanh”, ông Đinh Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh, cho biết.
Đội viên “tí hon” nhất của đội du kích quyết tử Chim Én là chị Võ Thị Huy. Năm ấy chị Huy mới 15 tuổi, sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong nhưng vóc người nhỏ bé như mới 12 - 13 tuổi.
Chị Huy (bên phải) thời tham gia chiến đấu.
Trước đó, trong quá trình tham gia đội thiếu niên tiền phong, cô bé “hạt tiêu” Võ Thị Huy đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác diệt gian, trừ ác và ngụy trang nhiều công sự cho những chiến sĩ cách mạng trú ẩn, trong đó có cha, chú ruột và anh trai của chị. Một thành tích khá “lẫy lừng” của cô bé ở tuổi 13 được đánh đổi bằng máu và nước mắt mà đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tâm khảm của chị.
Chị Huy chậm rãi: Hôm ấy địch đi càn, xộc vào nhà chị. Gọi là nhà nhưng chỉ là 4 vách cót và mái lá dừa. Lúc ấy, cha, chú và anh ruột của chị đã xuống hầm bí mật ở ngoài bờ ao. Mẹ, thím và những đứa em của chị bị giặc lùa ra tập trung với hàng trăm dân làng bên ngoài khoảng đất trống. Chị Huy có người chị kề bị tật liệt người không đi đứng được, chị năn nỉ xin được ở lại với chị. Trong lúc khám nhà, địch phát hiện dưới nền nhà có hầm bí mật. Địch hỏi trong nhà mà đào hầm là để giấu cộng sản? Chị trả lời nhà có thùng chén đĩa mỏng của ông nội để lại, ba chị đào hầm giấu để tránh bom đạn làm bể! Chẳng tin, chúng tiến hành lục soát hầm. “Khi ấy cha chị làm công tác nông hội, thường xuyên đi quyên góp lương thực nuôi quân. Ai đóng góp được gì cha ghi vào cuốn sổ, bỏ trong thùng đạn giấu dưới hầm. Lúc khui hầm, chúng ném thùng đạn lên trên và bảo 1 người lính mở ra kiểm tra. Anh lính ấy mở thùng đạn ra xem qua quýt rồi ném sâu vào góc nhà, bảo không có gì. Rồi anh ta còn quay sang dặn chị “Mầy không được nhắc đến cái thùng đó”. “Nếu hôm ấy địch phát hiện cuốn sổ của cha thì hàng chục cái tên trong danh sách chắc chắn sẽ bị chúng bắt tra tấn. Sau này tôi nghĩ chắc anh lính kia là nội tuyến của cánh mạng”, chị Huy nhớ lại.
Địch lại hỏi nhà có bao nhiêu người? Chị nhanh trí trả lời cha cháu bị Mỹ bắt rồi, vì nói Mỹ bắt địch sẽ không nghi ngờ là cộng sản nằm vùng, mẹ và mấy em của cháu cũng bị mấy ông lính bảo an lùa hết ra khỏi làng hết rồi, chỉ còn người chị tật nguyền đang nằm kia là hết! Nhưng chúng không tin. Thấy ở góc nhà có bó tàu dừa khô đã róc hết lá, chúng lấy ra làm roi đánh chị tơi bời, vừa đánh vừa tra khảo giấu ai ở trong hầm bí mật. Chị vẫn cắn răng, một mực bảo là không có. Chúng lại đánh. Góc cạnh của những chiếc roi tàu dừa băm nát da thịt chị. Khi ấy chị mặc chiếc áo hoa màu trắng, máu trong người chị túa ra đẫm ướt, biến chiếc áo thành màu đỏ. Thấy chị bị đánh tơi tả, em gái của chị từ ngoài sân chạy vào ôm chị vừa khóc vừa nói: “Chắc chị chết quá chị Bốn ơi!”. Nghe em gái chị nói thế, địch phát hiện trên chị còn có 1 người nữa chứ không phải chỉ 1 người chị tật nguyền như chị đã khai. Vậy là chúng càng tra khảo chị dữ dội hơn để tìm người vắng mặt mà chúng cho là cộng sản. Chị vẫn một mực “Cháu không biết gì hết”.
Chị Huy (đứng) cùng đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ.
Chúng đánh chị từ sáng đến chiều tối. Cũng may, lúc đó địch có lệnh rút quân ra bờ biển mà không khai thác được gì ở “cô bé hạt tiêu”. Khi đi, chúng vác chị theo như vắt trên vai 1 tấm mền ướt. Chặng đường dài 4 - 5km từ nhà chị ra bờ biển đã làm chị tỉnh lại, khi đến chỗ tập trung người làng, chị nhanh chân chạy lẫn vào đám đông, sau đó băng qua rừng dương chạy về báo tin cho những cán bộ đang nằm dưới hầm bí mật.
Năm 1969, Huyện đội Hoài Nhơn thành lập đội du kích quyết tử Chim Én tại thôn Trường Lâm, chị được tuyển mộ. Cái tên Huy của chị cũng được tổ chức đặt cho ngay trong ngày chị gia nhập đội, thật ra tên “cúng cơm” của chị là Võ Thị Tín. “Sau khi gia nhập đội, tôi được tổ chức phân công nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch hoạt động như “biệt động thành” để diệt ác. Đội du kích quyết tử Chim Én có 15 đội viên, mỗi khi có nhiệm vụ diệt ác ai cũng giành đi. Lúc ấy anh Ngô Thành Đông còn gọi là anh Mười Đông, cán bộ huyện Đội, đội trưởng đội Chim Én, phải bày ra cách thi bắn, ai bắn trúng mục tiêu thì được nhận nhiệm vụ để các đội viên khỏi so bì. Hồi đó đứa nào cũng còn nhỏ xíu mà tinh thần chiến đấu thì luôn hừng hực, nên hoàn thành được rất nhiều nhiệm vụ. Năm 1971 anh Mười Đông hy sinh, đội Chim Én không còn ai chỉ huy nên đội viên thanh niên thì được bổ sung về các đơn vị chiến đấu, tôi được điều động về huyện Đội. Năm 1972 giải phóng Hoài Nhơn, tôi được điều động về nhiều đơn vị chiến đấu, đơn vị cuối cùng tôi công tác là C2 thuộc D19 cho đến ngày hòa bình”, chị Huy kể.
Bây giờ, “con chim én” cuối cùng của đội quyết tử năm xưa đã lên chức bà, cùng chồng, con và lũ cháu sống cuộc sống yên bình trên vùng đất từng một thời sục sôi lửa đạn như lời một bài ca gợi nhớ về một thời bi tráng của đất mẹ Hoài Thanh anh hùng: “Nơi đây một thời giặc gọi là Trường Lâm đỏ. Dân ta tự hào gọi đó Trường Lâm yêu thương. Đằng đẵng mười năm lặng thầm giấu nuôi cán bộ. Trong những căn hầm chìm sâu dưới tầng đá ong... Tình người Trường Lâm một vùng đất thép! Đã khảm vàng lên Hoài Thanh hai chữ thành đồng... Xưa qua Trường Lâm đất dày bom đạn. Một vùng hoang trắng máu thắm đường vào. Nay về Trường Lâm xanh xanh mở lối. Người mong người đợi mừng vui tái tê...”.
Diệp Bảo Sương