Chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm: Bệnh nhân chuyển phôi đầu tiên đã có “tin vui”
(BĐ) - Ngày 25.4, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Tiến - Phó trưởng khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh), Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản - cho biết, kết quả bước đầu của chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho BVĐK tỉnh đến thời điểm này đã có “tin vui” với trường hợp chuyển phôi đầu tiên đã có thai. Hiện, bệnh nhân đang được các bác sĩ khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh theo dõi, điều trị tích cực theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ.
Chuyên gia phôi học Bệnh viện Từ Dũ đang tiến hành kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng - một kỹ thuật then chốt của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm - tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh).
Kết quả này đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao cho BVĐK tỉnh Bình Định từ năm 2018 -2020. Đến nay, đã có 20 cặp vợ chồng hiếm muộn được sàng lọc để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm đến năm 2020.
Song song với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện Từ Dũ cũng đã hướng dẫn các bác sĩ Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản (khoa Phụ sản) tiến hành kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (còn gọi là kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung), bước đầu kết quả 1 trường hợp có thai ổn định ở tuần thứ 7.
Đây là 2 kỹ thuật phổ biến nhất trong điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam.
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, sau khi điều trị 20 cặp hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm do các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi sẽ trình hồ sơ lên Bộ Y tế để được thẩm định và cấp phép cho BVĐK tỉnh thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Khảo sát từ BVĐK tỉnh cho thấy, tần xuất vô sinh ở Bình Định vào khoảng 7%. Việc triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không chỉ đáp ứng nguyện vọng và mang đến niềm vui của các trường hợp hiếm muộn ở Bình Định mà còn hỗ trợ các trường hợp vô sinh hiếm muộn đến từ các tỉnh lân cận của khu vực miền Trung.
MAI HOÀNG