Nguyễn Gia Thiện: Một đời tâm huyết với âm nhạc truyền thống
Dù rất lạc quan trong nỗ lực chống chọi với bệnh tật trong mấy năm qua, nhưng cuối cùng, cũng đến lúc NSƯT Nguyễn Gia Thiện, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, vĩnh viễn lìa xa chúng ta vào sáng 24.4 trong nỗi hụt hẫng, niềm tiếc thương không chỉ của gia đình, đồng nghiệp mà còn của những người hâm mộ âm nhạc truyền thống.
NSƯT Gia Thiện (đứng) thời còn sung sức sáng tác, đang hướng dẫn dàn nhạc Nhà hát tuồng Đào Tấn tập luyện.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện (SN 1956, ở Hà Nội). Sau khi được đào tạo bài bản tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, anh vào công tác tại Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (sau này là Nhà hát tuồng Đào Tấn) từ cách đây hơn 40 năm. Như anh nhiều lần tự nhận, đó là duyên may bởi nhờ đó mà anh có thêm cơ hội tìm hiểu, học hỏi từ các nhạc công tài danh của Nhà hát thời ấy, nắm rõ nhiều loại nhạc cụ trong dàn nhạc tuồng. Bên cạnh đó, với tinh thần cầu thị, ham học, anh còn nỗ lực đi học thêm chuyên ngành sáng tác và chỉ duy dàn nhạc của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đây là nền tảng vững chắc để nhạc sĩ Gia Thiện tham gia dàn dựng và chỉ huy âm nhạc cho rất nhiều vở diễn của Nhà hát.
Sáng tác của nhạc sĩ Gia Thiện giàu chất sáng tạo nhưng luôn giữ vững cốt lõi bản sắc của âm nhạc tuồng, đồng thời chọn lọc, kết hợp thêm những cái mới một cách khéo léo, để góp phần tạo nên sự xúc tác để diễn viên thêm thăng hoa trên sân khấu, khơi gợi cảm xúc cho khán giả.
“Anh Gia Thiện để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về sáng tác âm nhạc tuồng. Từng là nhạc công, có thâm niên cống hiến rất lâu năm ở Nhà hát, anh nắm rõ được thực lực để sáng tác, chỉ huy phần âm nhạc có thể phát huy được những điểm mạnh của các thế hệ nhạc công, góp phần đóng góp vào thành công chung cho nhiều vở diễn...”, NSƯT Ngọc Châu, nhạc công nổi tiếng của Nhà hát tuồng Đào Tấn, bùi ngùi nhớ.
Không giới hạn sáng tạo trong âm nhạc tuồng, nhạc sĩ Gia Thiện còn mở rộng cống hiến, không ngừng tìm tòi, sáng tác khá nhiều tác phẩm khí nhạc mang dấu ấn riêng, làm nổi bật những nét đặc sắc trong âm nhạc dân gian, gắn với khai thác các đề tài ca ngợi đất nước và con người Bình Định. Nhớ những lần cùng lắng đọng cảm xúc khi anh hào hứng mở cho tôi nghe “Bến nước sông Kôn” kết hợp hài hòa, hiệu quả chất liệu dân ca Nam Trung bộ với tiếng trống rộn rã hòa quyện với điệu Nam Xuân của nghệ thuật tuồng. Hay tác phẩm “Chiều làng quê” kết hợp nhiều loại nhạc cụ truyền thống tạo sự gần gũi, mộc mạc, vẻ đẹp yên bình nơi làng quê.
Cố NSƯT Gia Thiện để lại cho đời nhiều tác phẩm chất lượng cao, phát huy điểm mạnh, độc đáo của các loại nhạc cụ thuộc bộ gõ trong âm nhạc truyền thống.
NSƯT Gia Thiện từng chia sẻ: Ở Bình Định âm nhạc dân gian tương đối phong phú và đa dạng. Điều này vừa khiến chúng ta tự hào, nhưng đồng thời cũng buộc các nhạc sĩ phải có trách nhiệm nặng nề trong việc phát huy vốn quý của địa phương. Khi vận dụng, phát huy thì cần có ý thức luôn cố gắng phải làm sao không chỉ dừng lại ở dân gian, truyền thống mà còn phải biết kết hợp với kiến thức âm nhạc hiện đại để phù hợp với đời sống hiện nay. Niềm trăn trở ấy đã thành động lực sáng tạo, giúp nhạc sĩ Gia Thiện để lại cho đời những tác phẩm chất lượng cao, phát huy điểm mạnh, độc đáo của các loại nhạc cụ thuộc bộ gõ trong âm nhạc truyền thống. Đặc biệt, mượn cảm hứng và khai thác một cách hiệu quả âm sắc, tiết tấu của trống trận trong nhạc võ Tây Sơn, anh đã sáng tác được nhiều bài biểu diễn giúp nhạc công Nhà hát tuồng Đào Tấn phát huy tài năng, có thêm được nhiều tiết mục trình diễn xuất sắc, điển hình là: Mênh mang vó ngựa cung đàn, Hào khí Tây Sơn, Những chàng trai Tây Sơn, Vượt qua giông bão, Vượt sóng ra khơi ...
Nhạc sĩ Gia Thiện từng đảm nhiệm Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định. Ông đã được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu, bằng khen của tỉnh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam...Năm 2012, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Tôi quen biết NSƯT Gia Thiện cũng đã nhiều năm. Thường gặp nhau chủ yếu để trao đổi công việc, nhưng cũng có những lần ngồi cùng nhâm nhi với nhau ở quán dân dã để chia sẻ tâm tình. Ấn tượng của tôi về anh là sự gần gũi, hòa đồng, vui tính, không quan cách, quan tâm đến thế hệ trẻ ở Nhà hát. Khi anh mất đi, nhiều người đã bày tỏ sự tưởng nhớ, tri ân sâu sắc về người thầy đã dìu dắt, truyền dạy.
Anh Lê Công Phượng, hiện công tác tại Phòng nghiên cứu nghệ thuật của Nhà hát tuồng Đào Tấn, xúc động bộc bạch: “Sếp Gia Thiện đã hết sức quan tâm đến người trẻ mới chân ướt chân ráo vào làm việc ở Nhà hát tuồng Đào Tấn như tôi. Nhận thấy tôi tốt nghiệp cử nhân văn chương, có thể phát huy khả năng nên điều chuyển tôi từ làm công việc hành chính qua Phòng nghiên cứu nghệ thuật, nơi ông từng đảm nhiệm trưởng phòng. Ông đã tận tâm dìu dắt, hướng dẫn tôi trong công tác nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều kiến thức trong nghề. Tôi luôn tôn kính ông như người thầy, người cha...”.
Sau những chặng đường dài cống hiến, NSƯT Gia Thiện đã cảm tác bài thơ “Vô đề” trong giai đoạn cuối đời, như trút cạn tâm tình trước lúc phải đi xa mãi mãi: “Chẳng biết xuân vô tình hay cố ý/Gửi nồng nàn cho ta/Đêm qua/Say/Quên bất tận/Quên tất cả những gì được mất/Chỉ nhớ/Vàng tươi một nhành mai !”.
HOÀI THU