Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Mãi mãi là niềm tự hào
Ðã 46 năm trôi qua nhưng ông Châu Minh Tuất (85 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) vẫn nhớ như in những ngày tháng đầy gian khổ tham gia xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại mảnh đất tuyến lửa Quảng Trị.
Ông Châu Minh Tuất bên những bức ảnh kỷ niệm ông chụp chung với đồng đội trong thời gian tham gia xây dựng trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN tại tỉnh Quảng Trị vào năm 1973.
Ông Châu Minh Tuất nhớ lại: Vào thời điểm 1954 - 1960, tôi đang là thanh niên xung phong thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 391 tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn thì được điều động về làm việc tại Bưu điện Hà Nội. Sau thời gian vừa làm việc vừa học tập, đầu năm 1970, tôi được cấp trên đưa sang Tiệp Khắc nghiên cứu các thiết bị viễn thông hiện đại của Mỹ. Cuối năm 1972 tôi về nước làm việc, khoảng tháng 3.1973 được lệnh tham gia đoàn công tác vào Quảng Trị để khảo sát địa điểm xây dựng trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN). Sau khi khảo sát và báo cáo, cấp trên chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng trị) làm nơi đặt trụ sở làm việc.
Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 4 năm Ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN (6.6.1969 - 6.6.1973), những chuyến tàu đầu tiên vận chuyển vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn ván từ miền Bắc vào cập cảng Đông Hà (Quảng Trị). Lực lượng cán bộ, công nhân hơn 500 người của Công ty xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An được huy động thi công. Còn ông Tuất và các cán bộ kỹ thuật của Bưu điện Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cũng như trực đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN ra Hà Nội.
“Dù thi công trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tất cả đều quyết tâm và làm việc cả ngày lẫn đêm để trụ sở được hoàn thành đúng như dự kiến. Trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300m2, chia làm 2 khu độc lập: A và B. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, Nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, nhân viên cán bộ của Chính phủ”, ông Tuất chia sẻ.
Sau khi hoàn thành, ngày 6.6.1973 Chính phủ CMLTCHMNVN đã ra mắt nhân dân trong buổi mít-tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước; đặc biệt đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu tới dự, làm lễ trình Quốc thư. Cũng tại nơi đây, vào cuối năm 1973, các đồng chí lãnh đạo của các nước anh em, trong đó có đồng chí Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba; đồng chí Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân miền Nam.
Theo ông Tuất, từ năm 1973 đến năm 1975, tại trụ sở làm việc ở Quảng Trị, Chính phủ CMLTCHMNVN đã có nhiều hoạt động trên trường quốc tế như đã đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Chính phủ CMLTCHMNVN cũng cử nhiều đoàn cấp cao đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới; ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định Paris, gây tội ác với nhân dân; cử đoàn đại biểu các đoàn thể đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ CMLTCHMNVN đã lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.
Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLTCHMNVN kết thúc vai trò lịch sử của mình, trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Cơn bão số 8 năm 1985 đã tàn phá hầu như toàn bộ khu trụ sở. Ngày nay, tại khu di tích Chính phủ CMLTCHMNVN chỉ còn nhà làm việc của Chính phủ và nhà nghỉ của các đại sứ; những dãy nhà khác chỉ còn lại nền móng và bia đá ghi dấu. Khu di tích này được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1991.
Ông Tuất nói trong niềm vui và tự hào: “Ngày 24.3.2019, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông đã tổ chức khởi công phục dựng Nhà làm việc Bộ Ngoại giao của Di tích Chính phủ CMLTCHMNVN, để khu di tích này mãi mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân miền Nam; mãi mãi là biểu tượng khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam”.
NGUYỄN PHÚC