Y tế những ngày đầu giải phóng
Vai mang súng, vai mang túi thuốc, những người chiến sĩ khoác blouse trắng đi qua kháng chiến với biết bao mất mát, hy sinh. Những ngày đầu giải phóng, họ cũng là lực lượng “đứng mũi chịu sào” trong xây dựng cuộc sống mới.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Phát Tường tặng Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng sách “Y tế Bình Định 30 năm kháng chiến 1945 - 1975” dịp Chủ tịch đến thăm nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2017.
31.3.1975, Bình Định hoàn toàn giải phóng. Kể từ đó, ngành Y tế tỉnh tham gia tiếp quản cơ sở hạ tầng còn lại, song mọi thứ như chẳng còn gì. Khi tiếp quản, 4 cơ sở của ngành tại Quy Nhơn cũng như các bệnh xá quận hầu hết đều không còn thuốc men, y dụng cụ. Các kho thuốc chỉ còn ít bông băng, thuốc kháng sinh, phần lớn đã hết hạn dùng. TTYT toàn khoa bị đổ nát do bom pháo, tốc mái, nhà mổ bị sập, cây cối gãy đổ…
“Quang cảnh xác xơ, tiêu điều. Tài sản duy nhất còn lại là một máy điện quang hỏng, 26 bệnh nhân nặng nằm liệt trên giường bệnh và… 5 xác chết đã dậy mùi hôi thối. Ty Y tế trống rỗng, chỉ còn con dấu, một số bàn ghế, giấy tờ”, bác sĩ Hoàng Tâm - nguyên Trưởng Ban Dân y tỉnh giai đoạn 1968 - 1975, nhớ lại.
Ở TX Quy Nhơn ngày ấy, người dân sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi xác chết, rác rến, ruồi nhặng. Do đó, ngành Y tế phát động “Tuần lễ toàn dân tổng vệ sinh mừng tỉnh nhà giải phóng” từ ngày 12 - 17.4.1975, được đông đảo nhân dân tham gia. Khắp các thôn bản miền núi, các làng xã ở đồng bằng, đường phố ở thị trấn, thị xã, gia đình nào cũng cử người tham gia quét đường, đốt rác, chôn lấp các vật ô uế.
Bác sĩ - Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Phát Tường, nguyên ủy viên Ban Dân y tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế chưa quên những xác lính ngụy chôn lấp sơ sài, bị chó hoang đào lên cắn nát ở khu vực bãi biển trước Ty Y tế (bây giờ là Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn).
Được giao nhiệm vụ phụ trách việc tổng vệ sinh môi trường, bác sĩ Tường vẫn nhớ rõ hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Không có xe chuyên chở rác, thay mặt Ban Dân y tỉnh, ông đến nhà ông Ba Có - người có đội xe rất hùng hậu. Từng lời thưa dạ đàng hoàng, chu đáo, người bác sĩ chinh chiến dạn dày đã lay chuyển được vị “đại gia” ở Quy Nhơn lúc bấy giờ. Ngoài đội xe phục vụ chiến trường, số xe tải nhỏ còn lại ông Ba Có huy động để tham gia làm vệ sinh cho Quy Nhơn ngày một sạch sẽ.
Một sự kiện đáng nhớ là cuối tháng 4.1975, Quy Nhơn bùng nổ dịch sốt xuất huyết, có tới 30 - 40% dân số mắc bệnh. 16 trạm y tế phường chuyển bệnh nhân ùn ùn vào bệnh viện tỉnh, một số cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng mắc bệnh và không cứu được. Ban Dân y tỉnh chỉ đạo phòng y tế thị xã lập ngay các phòng khám khu vực có giường lưu để giảm bớt sức ép cho bệnh viện tỉnh và phục vụ sức khỏe nhân dân thị xã được nhanh chóng, dễ dàng. Với tinh thần “cứu đau như cứu hỏa”, chỉ trong 10 ngày đã thành lập xong 4 phòng khám khu vực, mỗi phòng khám có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 3 y tá và 10 - 15 giường lưu. Nhờ đó, dịch mới hạ nhiệt…
MAI LÂM