Công viên Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa
Trong chuyến tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân đến quần đảo Trường Sa đầu năm 2019, chúng tôi may mắn được ghé thăm nhiều công trình văn hóa - lịch sử rất ý nghĩa được xây dựng khang trang nơi mảnh đất tiền tiêu của tổ quốc. Một trong những công trình để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người là công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca.
Tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Giữa mênh mông biển trời sóng gió Trường Sa, chúng tôi ai cũng xúc động khi bước chân đến công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được xây dựng trang trọng ở mặt tiền đảo Sơn Ca. Điểm nhấn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạc bằng đá sa thạch nguyên khối, lột tả được thần thái một thiên tài quân sự của dân tộc Việt Nam.
Bao bọc phía sau tượng là một bức tường hình vòng cung, dài 24 m, cao 2,5 m, được ốp gốm mosaic, hai cánh tường trang trí hình sóng cuộn. Trên bức tường tái hiện lịch sử hào hùng qua 300 bức ảnh, tư liệu được in trên gốm nặng lửa (độ bền tốt, nước men đều hơn), sắp xếp công phu gắn với các giai đoạn trong cuộc đời vị tướng huyền thoại này, cùng những chiến dịch, chiến thắng lẫy lừng ông đã chỉ huy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ở phần về lịch sử hình thành của Hải quân nhân dân Việt Nam, có nhiều hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân...
Càng sâu sắc, ý nghĩa hơn khi ngay dưới ảnh tư liệu về Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân được thành lập vào ngày 22.12.1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức đội quân chủ lực đầu tiên.... là tấm bảng in trân trọng “Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam” bằng chữ đỏ nổi bật trên bức tường, như thể hiện cho biết bao xương máu, hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã luôn “giữ vững lời thề” vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị về những “cột mốc” vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc, như hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương theo dõi, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn vào tháng 4.1975.
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca.
Chúng tôi càng cảm thấy thiêng liêng, xúc động khi giữa nơi đảo xa nghìn trùng sóng vỗ lại được đọc bức “Điện mật đi” vào ngày 7.4.1975, do chính tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.
Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, chia sẻ: “Từ ngày có công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên đảo nói riêng và đón tiếp các đoàn khách từ đất liền ra giao lưu, đã được tổ chức tại địa điểm trang trọng, giàu ý nghĩa mà ấm áp tình cảm này. Vào các dịp lễ đặc biệt như kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tổ chức lễ dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ vị Đại tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ đạo quan trọng để giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca vào ngày 25.4.1975...”.
Đoàn công tác từ đất liền ra dâng hương tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đêm 11.1.2019, đoàn công tác chúng tôi đã thêm đong đầy kỷ niệm khi tham gia chương trình giao lưu văn nghệ ấm áp tình cảm với chủ đề “Xuân về bên cột mốc chủ quyền” tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không gian biểu diễn ngay sát cạnh tượng Đại tướng giữa biển Đông khiến lời ca điệu nhạc của những người từ đất liền ra và lính đảo thêm hòa quyện, sâu lắng, hùng hồn hơn: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...” (Tổ quốc gọi tên mình).
Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp rộng 400 m2, với phần tượng do điêu khắc gia Lê Ðình Bảo thực hiện, phần in ảnh tư liệu lịch sử trên gốm nặng lửa do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đảm nhiệm tại Hà Nội trong thời gian 6 tháng. Sau đó, Lữ đoàn Công binh 131 phối hợp với Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội tiến hành xây dựng công viên trong thời gian gần 2 tháng. Ngân hàng Quân đội tài trợ kinh phí xây dựng công trình. Ðến năm 2018, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca cùng thực hiện 100 ngày công để làm con đường mang tên Võ Nguyên Giáp với chiều dài hơn 100 m, nối từ khu công viên đến chùa Sơn Linh trên đảo.
Công viên được Bộ Tư lệnh Hải quân chọn thời điểm khánh thành vào tháng 5.2016, nhân kỷ niệm 62 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2016). Trên tấm bảng in trang trọng trên bức tường sau tượng đài, đã tóm lược về công lao hết sức to lớn của một Tổng Tư lệnh văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn, được nhấn mạnh ngay từ mở đầu: “Cả thế giới khi nhắc đến Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Các dân tộc châu Phi và Mỹ La tinh xem chiến thắng Ðiện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập ngày nay của họ...”, và đoạn kết: “Ðúng như nhà sử học quân sự Mỹ, GS Cecli Curey trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài quân sự của Việt Nam” đã viết: “Ðại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ trở thành huyền thoại, mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”.
Hoài Thu