Người lính già & những trang ký ức
Chúng tôi may mắn khi được trò chuyện cùng người cựu binh Thái Bá Học, được xem như một nhân chứng sống cho một giai đoạn đấu tranh chống Mỹ giành độc lập. Ðã ngoài 80 tuổi nhưng trong cuộc trò chuyện, từng mảng ký ức được ông kể lại rành rọt, tựa như mọi thứ mới xảy ra ngày hôm qua. Có buồn, có vui nhưng đọng lại là nghĩa đồng đội, tình quân dân, sự trân trọng những giá trị lịch sử của một thời máu lửa.
Năm 1955, chàng thanh niên 20 tuổi Thái Bá Học bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với các nhiệm vụ như rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh yêu cầu Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Geneva, móc nối cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương… Dẫu đối diện nhiều hiểm nguy, gian khổ nhưng ông không nề hà.
Cựu binh Thái Bá Học (áo trắng, đứng hàng trước, tay cầm mũ) thăm lại căn cứ cách mạng An Trường.
ÐAU THƯƠNG NẰM LẠI
Ông là người mở ra cơ sở cách mạng đầu tiên tại xã Nhơn Lộc, đặc biệt là gầy dựng cơ sở cách mạng trong lực lượng thanh niên trên toàn An Nhơn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ và liên tục bám trụ ở quê hương phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Chiến tranh đã đi qua hơn bốn thập kỷ nhưng ký ức về cuộc chiến chưa một ngày rời khỏi trái tim ông. Ông nhớ như in cái ngày mà hai người bạn Nguyễn Tài Nông và Nguyễn Hợi ngã xuống ngay trước mắt ông. “Chiều 20.5.1963, nhóm 3 người chúng tôi bị địch phục kích tại xã Nhơn Lộc. Hai đồng đội hy sinh ngay trước mắt tôi và bị địch cướp xác mang đi. Nếu ngày ấy súng tôi không bị kẹt vỏ đạn trong bầu nòng, khiến tôi không bắn trả lại được nên phải lao vào trong rừng, có lẽ tôi cũng đã chết trước họng súng của 3 trung đội địch”, ông Học bồi hồi.
Ông Thái Bá Học (SN 1935), quê tại xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, hiện đang ở đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn.
Năm 1955: Chính thức tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1966 - 1975: Phó Bí thư Huyện ủy An Nhơn.
Năm 1976 - 1983: Trưởng Ban chỉ huy ban B, xây dựng công trình thủy lợi Hồ Núi Một.
Năm 1983 - 1995: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Năm 1966, trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ và quân Nam Triều Tiên đánh thuê, ông Học được phân công chỉ huy một trung đội du kích từ xã Nhơn Phúc vào xã Nhơn Lộc đánh địch. Khi tới chốt Lai Nghi (Bình Khê), địch dùng pháo cỡ lớn tấn công trung đội du kích, buộc mọi người dừng lại và tản ra tránh pháo. Trong trận chiến ấy, ông bị thương bởi một mảnh đạn găm vào phổi. Nhớ lại chuyện xưa, ông Học vẫn bần thần: “Tôi lại lần nữa thoát chết. Nhưng cũng một lần nữa chứng kiến cái chết của chính đồng đội mình. Trận pháo ấy, anh Nhẫn, người được chuyển đến hoạt động cùng tôi vài ngày đã hy sinh”.
Suốt mấy mươi năm kháng chiến, cận kề bom đạn, sống chết mỗi ngày, ông chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội, những người từng chia nhau vắt cơm, hạt muối, kề vai sinh tử cùng mình vĩnh viễn ra đi. Từng giây từng phút, người chiến sĩ cộng sản ấy luôn mong ngóng đến giây phút hòa bình. Người lính già năm xưa trầm giọng: “Chỉ giản đơn muốn ăn một bữa cơm gia đình mà không cần phải lo sợ đạn pháo đã là một niềm vui. Càng tha thiết với hạnh phúc đơn sơ ấy, tôi và đồng đội lại càng thêm quyết tâm bám cơ sở đấu tranh, cái không khí hừng hực quyết tâm giải phóng, sự đồng lòng của quân và dân như liều thuốc giảm đau cho vết thương vẫn đang âm ỉ từng ngày trong cơ thể”. Và ông suy tư: “Những năm tháng ấy suy nghĩ của chúng tôi trong veo thuần khiết, chỉ có một mục tiêu là sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chính vì không một chút băn khoăn, lợn cợn nào nên giờ hình dung lại, gương mặt đồng đội hiện lên rõ mồn một!”.
Năm 1974, ông đi chụp X quang và phát hiện trong người có mảnh đạn 2 cm có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Nhiều người khuyên ông nên ra miền Bắc điều trị, nhưng rồi dự cảm về những trận đánh lớn đang đến, ông nhất quyết không chịu. Ông muốn ở lại với An Nhơn đến những trận chiến cuối cùng. Ông tâm sự: “Bắt đầu từ những năm đánh Mỹ đã có mặt tôi. Giờ là thời khắc quan trọng trong những trận đánh mang tính quyết định, làm sao mình không tham gia được”. Vậy là người chiến sĩ ấy lại tiếp tục rời bệnh xá, trở về địa phương lãnh đạo phong trào. Giọng ông như chùng lại xúc động: “Ngày giải phóng, tôi đứng sững ở cửa Đông thành Bình Định, niềm hạnh phúc chẳng thể diễn tả thành lời. Tôi bật lên thành tiếng như là đang nói với chính mình: Chiến tranh kết thúc rồi. Hòa bình đã về với quê hương, đồng bào mình!”.
KÝ ỨC VỌNG VỀ
Ông trân quý từng giây phút được sống trong vòng tay những bạn bè, đồng chí gặp lại nhau qua những chuyến đi về nguồn. Với ông, đó là nguồn động viên tinh thần vô giá. Cứ mỗi chuyến đi như vậy, về nhà ông thường ngồi thừ ra để hồi tưởng về những đồng đội đã mất. Thỉnh thoảng, nhớ chiến trường xưa, ông lại thu xếp về lại An Trường, cơ sở hoạt động cách mạng mà một thời ông gắn bó.
Khi nhắc về người lính già Thái Bá Học, ông Trần Duy Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn chia sẻ: “Anh Học vừa là đồng đội, vừa là người thầy đối với thế hệ chúng tôi. Anh thẳng thắn, bộc trực, không bao giờ dung dưỡng cho cái xấu, luôn dốc lòng phục vụ nhân dân, nghĩa tình với đồng đội. Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, anh Thái Bá Học gắn bó với hoạt động cách mạng ở An Nhơn, bám sát phong trào, trực tiếp chỉ đạo và chiến đấu không quản hiểm nguy trước sự lùng sục, vây ráp của địch. Tôi còn nhớ rõ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh bị thương nặng, mảnh đạn ghim sâu trong người, tác oai tác quái nhưng anh nhất quyết không ra miền Bắc điều trị mà ở lại tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng đến khi An Nhơn được giải phóng. Có thể nói hiện nay, hiếm có ai nắm vững về lịch sử hoạt động cách mạng những năm kháng chiến chống Mỹ ở An Nhơn như anh Thái Bá Học”.
Chiến tranh đã khép lại nhưng trong lòng người cựu chiến binh Thái Bá Học vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng nằm gai nếm mật, kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương An Nhơn. Những cảm xúc, ký ức xưa, hơn chục năm nay được ông Học ghi lại cẩn thận trong cuốn hồi ký dày gần 400 trang và lưu giữ như một kỷ vật.
Ông trải lòng: “Trong những trang viết này, từng chi tiết một, từng mẩu ký ức nhỏ đã thành máu thịt, nước mắt hay niềm vui và những nỗi đau đớn đều chẳng thể xóa nhòa. Ghi nhớ một thời cách mạng oanh liệt ấy, tôi muốn bày tỏ với thế hệ hôm nay, mỗi chúng ta - trong đó có con cháu tôi - hãy biết trân trọng cuộc sống hòa bình, ổn định mà cha anh đã đổ bao xương máu mới dựng thành xây nên, để thêm vững tin chung tay dựng xây quê hương, đất nước”.
HỒNG HÀ - VÂN PHI