Diện mạo mới ở Hưng Thạnh
“KHU CĂN CỨ LÕM”
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hưng Thạnh (nay là KV 9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) là vùng ven lại là cửa ngõ quan trọng đi vào TX Quy Nhơn, nên nơi đây trở thành căn cứ, là nơi che giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, đạn dược cho cách mạng. Chính vì vậy, địch bố trí các đồn bốt quân sự dày đặc và cảnh sát chìm nổi ngày đêm kìm kẹp, khống chế nhiều mặt rất ác liệt. Cũng chính nơi đây, phong trào cách mạng của ta bí mật hoạt động và phát triển không ngừng ăn sâu vào lòng yêu nước của người dân Hưng Thạnh. Thời đó, địch gọi Hưng Thạnh là khu “chính trị lõm”, còn cách mạng gọi là “khu căn cứ lõm”.
Hưng Thạnh - vùng đất sình lầy năm xưa giờ đã mọc lên hàng loạt ngôi nhà cao tầng, dọc bờ sông Hà Thanh được xây dựng kè kiên cố và sạch đẹp.
Vào tháng 2.1965 cũng tại vùng căn cứ cách mạng Hưng Thạnh, bộ đội đặc công D10 tỉnh Bình Định đã triển khai đội hình tấn công vào khách sạn Việt Cường, lập một chiến công vang dội. Trận đánh khách sạn Việt Cường là chiến công đầu thắng Mỹ của quân và dân Bình Định, góp phần không nhỏ vào việc đánh bại hoàn toàn chiến tranh đặc biệt của địch trên địa bàn tỉnh. Chiến công này đã trở thành một mốc son trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quê hương Bình Định, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của dân và quân Hưng Thạnh.
Ông Phan Trọng Thể (88 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 50, người trực tiếp tham gia trận đánh vào TX Quy Nhơn đêm 30 Tết Mậu Thân 1968 và cũng là nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 93, người trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn vào ngày 31.3.1975, nhớ lại: “Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn đặc công liên ấp 3, Đại đội đặc công Đ10 cùng biệt động, tự vệ mật từ các vị trí giấu quân ở Hưng Thạnh được cơ sở cách mạng dẫn đường, luồn lách vào trung tâm TX Quy Nhơn, áp sát các mục tiêu tiêu diệt địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi. Sau này, cũng chính vùng căn cứ Hưng Thạnh được chọn làm bàn đạp, đồng thời dân và quân Hưng Thạnh dẫn đường để các đơn vị của ta tiến quân vào giải phóng Quy Nhơn ngày 31.3.1975”.
DIỆN MẠO MỚI
Ông Vũ Đình Thọ (82 tuổi, ở KV 3, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) từng tham gia hoạt động và sinh sống ở phường Đống Đa từ trước giải phóng đến nay, cũng là Chủ tịch UBND phường Trung Thiện (sau này là phường Đống Đa), giai đoạn 1975 - 1977, cho hay: Trước giải phóng, cả vùng Hưng Thạnh rộng lớn chỉ có khoảng 100 nóc nhà. Bởi vùng này là căn cứ của cách mạng, là điểm tiếp nhận lương thực, thực phẩm, đạn dược để tiếp tế cho cách mạng nên địch thường xuyên càn quét, bố ráp. Mỗi khi địch phát hiện ra điều gì bất thường thì bất kể ngày hay đêm, địch dùng pháo ở Núi Một (Quy Nhơn) và Trường Úc (Tuy Phước) bắn xối xả về phía Hưng Thạnh. Tuy nhiên nhiều gia đình ở Hưng Thạnh vẫn kiên trung, bám trụ để che giấu cán bộ, chiến sĩ mỗi khi từ căn cứ Núi Bà vào họp hoặc tham gia các trận đánh vào Quy Nhơn.
“44 năm trôi qua từ một vùng đất sình lầy, ruộng muối, đi lại rất khó khăn thì giờ đây Hưng Thạnh đã có một diện mạo mới mà ai đến đây cũng bất ngờ. Bởi không ai dám nghĩ là vùng đất này có sự thay đổi nhanh chóng đến vậy”, ông Thọ nói trong niềm vui.
Ông Trần Hữu Chiến, Khu vực trưởng KV 9, phường Đống Đa, tâm sự: “Sau giải phóng, người dân ở đây còn khá thưa thớt nhưng trong những năm gần đây Hưng Thạnh đón rất nhiều người dân ở Quy Nhơn ra sinh sống, trong đó cũng có nhiều người dân là gốc Hưng Thạnh vào Quy Nhơn sinh sống rồi quay lại chốn cũ lập nghiệp. Do dân số ở Hưng Thạnh ngày càng đông nên phường đã chia Hưng Thạnh ra thành 5 khu vực để quản lý, gồm: KV 8, KV 9, KV 9A, KV 10 và KV 11. Trước đây người dân chỉ biết làm muối và nuôi trồng thủy sản thì giờ đây đã mở thêm nhiều ngành nghề khác nên đời sống ngày càng khấm khá”.
Theo ông Trần Việt Quang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, những năm gần đây, phường Đống Đa nói chung và khu vực Hưng Thạnh trước đây nói riêng đã có sự thay đổi nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa. Khi một loạt các dự án được triển khai xây dựng tại nơi này, như: Khu đô thị - thương mại Bắc sông Hà Thanh, khu dân cư đảo 1A, khu dân cư đảo 1B, đường Quy Nhơn - Nhơn Hội… góp phần làm thay đổi diện mạo của phường Đống Đa và của cả Quy Nhơn. Hưng Thạnh ngày xưa là đầm lầy, việc đi lại bằng đò thì giờ đây đã có nhiều tuyến đường rộng 14m, 18m, 36m, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển. Nhiều biệt thự, nhà cao tầng kiến trúc hiện đại đã và đang dần lấp đầy các khu dân cư, làm diện mạo Hưng Thạnh thay đổi nhanh chóng.
“Hiện tỉnh và thành phố tiếp tục triển khai thêm một số dự án, khu dân cư vào khu vực Hưng Thạnh cũng như kế hoạch xây dựng mới cầu Chữ Y (nối đường Tháp Đôi với khu dân cư Bắc sông Hà Thanh) và cầu Huỳnh Tấn Phát (nối đảo 1B Bắc sông Hà Thanh với Khu đô thị - thương mại Bắc sông Hà Thanh) để các khu dân cư được nối gần nhau hơn”, ông Quang cho biết.
PHẠM PHƯƠNG