Ðổi thay ở vùng đất khó
Những năm gần đây, vùng đất cằn cỗi, mênh mông cát thuộc các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn (huyện Phù Cát) có nhiều chuyển biến tích cực về KT-XH; đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Ðây là thành quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được.
Vùng đất khó Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn “thay da đổi thịt”, nhiều căn nhà khang trang, bề thế “mọc” lên tại các khu dân cư.
- Trong ảnh: Một góc khu dân cư thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp.
MỘT THỜI GIAN KHÓ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với lợi thế địa hình nhiều đồi núi trập trùng, hiểm trở, xã Cát Hiệp và Cát Sơn được chọn để lập các căn cứ địa cách mạng quan trọng như khu căn cứ Đồi Chè (xã Cát Sơn); khu căn cứ Soi Bà Quyên; bệnh xá quân - dân y kết hợp K 200 (xã Cát Hiệp). Do đó, địch luôn tập trung lực lượng, hỏa lực và nhiều lần càn quét, đánh phá ác liệt. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân Cát Hiệp, Cát Sơn đã kiên cường đánh trả, giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần vào chiến thắng 30.4 lịch sử, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, non sông liền một dải, nhưng hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề tại vùng đất Cát Hiệp, Cát Sơn. Các loại bom, mìn còn sót lại ở nhiều nơi. Trong quá trình khai hoang, vỡ hóa, không ít người dân Cát Hiệp, Cát Sơn tiếp tục gánh chịu thương tật hoặc tử nạn do vướng phải bom, mìn.
Đến tháng 1.1984, xã Cát Hiệp được chia tách thành xã Cát Hiệp và Cát Lâm. Những khó khăn mà chính quyền và nhân dân 2 xã gặp phải càng tăng gấp bội. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt tại các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hầu hết người dân nơi đây chỉ tập trung lo cái ăn; các hoạt động vui chơi, giải trí đối với họ là thứ gì đó quá đỗi xa xỉ.
Ông Phạm Đình Hóa, 76 tuổi, trú thôn An Điềm, xã Cát Lâm, nhớ lại: “Hồi đầu những năm 90, phương tiện đi lại chính của người dân chẳng có gì ngoài… đi bộ. Hoạt động sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, năng suất thấp nên quanh năm người dân chỉ tập trung… chống đói. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Giờ nhớ lại giai đoạn đó vẫn còn rùng mình”.
ÐẤT KHÓ “NỞ HOA”
Khó khăn là vậy, nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương không hề sờn lòng. Họ hăng say lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh. Những công sức mà chính quyền và người dân Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Lâm không ngại hy sinh, gian khổ “gieo trồng” cuối cùng cũng cho “quả ngọt”.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của các xã chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Riêng trong năm 2018, giá trị sản xuất trong lĩnh vực này của xã Cát Sơn đạt gần 32 tỉ đồng; xã Cát Hiệp đạt gần 62 tỉ đồng và xã Cát Lâm đạt hơn 37,1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã Cát Lâm đạt hơn 111,2 tỉ đồng; tổng thu nhập địa phương đạt hơn 274,4 tỉ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 37,6 triệu đồng/người/năm. Còn tại xã Cát Sơn, tổng giá trị sản xuất đạt gần 92,5 tỉ đồng; tổng thu nhập địa phương đạt gần 195,6 tỉ đồng; tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 35,7 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, tổng sản phẩm địa phương của xã Cát Hiệp là 286,3 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,6 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Những con đường bê tông thẳng tắp trải dài; hệ thống đường giao thông liên thôn, xóm hầu hết đã bê tông hóa; hệ thống điện phủ khắp từng nhà. Hệ thống thủy lợi, kênh mương được đầu tư khép kín. Các điểm trường học, trạm y tế, chợ xây dựng khang trang, tạo sức sống mới cho vùng đất trước kia được ví von là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, chia sẻ: “Cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Cát Lâm vẫn còn thường xuyên thiếu thốn lương thực, phải chạy ăn từng bữa. Nhắc như vậy để thấy, hiện nay người dân không chỉ “ăn no, mặc ấm” mà còn “ăn ngon, mặc đẹp” là một bước tiến dài”.
Còn ông Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, tâm tư: “So với những địa phương khác của huyện Phù Cát, xã Cát Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi tự ti, hay ỷ lại cấp trên. Chúng tôi không ngừng phát huy nội lực; đồng thời, tìm hướng đi mới, vận động người dân nỗ lực xây dựng kinh tế để quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Với quyết tâm của chính quyền và nhân dân các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, chúng ta tin rằng, rồi đây, các địa phương này sẽ không ngừng vươn mình lớn dậy, xứng đáng với truyền thống lịch sử một thời gian khổ mà hào hùng.
VĂN LỰC