Vĩnh Thuận hôm nay
Tròn 13 năm sau ngày thành lập, đến nay, xã miền núi Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) đã có nhiều đổi thay. Thành quả này có được là nhờ vào sự đoàn kết, đổi mới cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
Xã Vĩnh Thuận được thành lập năm 2006 phục vụ tái định cư của người dân khi công trình hồ thủy lợi Định Bình được xây dựng. Thời điểm này, toàn xã có 200 hộ, trong đó có 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 90% là hộ nghèo. Đất đai ở địa bàn chủ yếu là đất rừng, đất gò đồi, độ dốc cao, thường bị xói mòn, sạt lở vào mùa mưa lũ; khô khốc vào mùa hạn hán. Người dân sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp là chính.
Đường về Vĩnh Thuận đã được thảm nhựa, bê tông hóa, tạo đà để KT-XH ở địa phương phát triển.
XÓA BỎ TÂM LÝ TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI
Những năm gần đây, nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư, nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng, đời sống của bà con đã ổn định và đang dần được nâng lên. Đường đến Vĩnh Thuận bây giờ đã dễ dàng hơn, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy. Đến nay, toàn xã đã có 70% các tuyến đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa. Giao thông thuận lợi nên hàng hóa của bà con làm ra được thương lái mua với giá cao hơn nhiều so với trước đây. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một cải thiện, nâng cao.
Trưởng thôn 3, xã Vĩnh Thuận- Đinh Khéo chia sẻ: “Trước đây, khi đường sá chưa được nâng cấp, người dân ở đây rất khổ sở để đưa các loại nông sản như mía, mì, dưa hấu, đậu đỗ đi tiêu thụ. Bây giờ, đường thảm bê tông, thảm nhựa phẳng lỳ, bà con ai cũng ưng cái bụng”.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Thuận đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng rừng, trồng dưa hấu, trồng bí đỏ, đậu xanh, chăn nuôi bò lai... đạt hiệu quả. Nhiều hộ chẳng những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, như trường hợp vợ chồng anh Đinh Khuân và chị Đinh Thị A Ngắt (thôn 2), Đinh Khuy (thôn 6), Đinh Nhin (thôn 3), Đinh Nhun (thôn 8)…
Ông Đinh Châm, Trưởng thôn 2, bộc bạch: “Bà con ở Vĩnh Thuận đã mạnh dạn phát triển kinh tế thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong sản xuất, người dân còn biết áp dụng tiến bộ KHKT. Chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ người Kinh, học phương pháp canh tác các loại cây trồng qua sách báo. Nhờ đó, mà kinh tế gia đình cải thiện hơn xưa rất nhiều”.
Hiện nay, xã Vĩnh Thuận khuyến khích người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; trong đó, mô hình nuôi bò vỗ béo, trồng cây cam sành đang được bà con áp dụng có hiệu quả. Các loại cây trồng chủ lực như mía, điều, bắp, bí đỏ, đậu đỗ các loại cũng được bà con chú trọng thâm canh. Nhờ việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế nên tỉ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Thuận ngày một giảm.
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Hiện Vĩnh Thuận đã đạt 11/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết toàn xã hiện có 8 làng với 431 hộ, 1.600 nhân khẩu; 98% người dân trong xã là người đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nên kết cấu hạ tầng ở địa phương đã được xây dựng, phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh. Đường sá, điện lưới, điện thoại, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt được đầu tư hoàn thiện; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám, chữa bệnh miễn phí…”, ông Sao cho hay.
Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Qua hơn 10 năm được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng tinh thần nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng đất tái định cư Vĩnh Thuận năm xưa giờ đã đổi thay. Đây là tiền đề quan trọng để xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong những năm tới”.
Khoảng cách địa lý giữa miền núi, vùng nông thôn và thành thị trở nên gần gũi hơn nhờ sự tiện lợi của hệ thống giao thông nông thôn và mạng lưới thông tin liên lạc. Xã Vĩnh Thuận giờ đây đang phấn đấu xây dựng hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng, cơ cấu lại sản xuất, chú trọng cải thiện đời sống, văn hóa - xã hội… quyết tâm “cán đích” xã nông thôn mới theo thời gian quy định.
ĐẠI NAM