Thủ tướng yêu cầu khởi tố nếu có hành vi “đưa - nhận hối lộ” trong vụ gian lận điểm thi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.
Liên quan đến vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, theo ý kiến của một số luật sư, “gia cảnh của các thí sinh được nâng điểm dần lộ diện và thể hiện dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ. Điểm các thí sinh được nâng đều từ 28 điểm trở lên, bất kể điểm thực bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu hành vi chạy trường rất rõ. Phụ huynh thí sinh đều có chức vụ, cần làm rõ và là căn cứ để xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng bản chất vụ việc”.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh nêu trên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25.5.
Tính đến nay, riêng khối các trường thuộc lực lượng vũ trang (công an, quân đội) đã trả về hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình tổng cộng 60 thí sinh có điểm thi gian lận trong kỳ thi năm 2018. Trong đó, khối trường công an trả về 53 thí sinh, khối trưởng quân đội trả về 7 thí sinh. Ở khối các trường dân sự, một số trường như Đại học Y Hà Nội, Sư phạm, Thương mại, Ngoại thương... cũng đã trả về một số thí sinh có điểm thi gian lận.
Theo thống kê, đặc biệt trong số 222 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018, nhiều em là con em cán bộ ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GD-ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Với những thí sinh được xác định có liên quan, bộ GD-ĐT cũng sẽ buộc thôi học.
Theo PHAN THẢO (SGGP)