Chuyện nghề nậu biển
Nậu biển (hay nậu rỗi) là cách gọi chỉ những người làm nghề buôn cá ở các vùng biển, là một “mắt xích” quan trọng giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm. Mối quan hệ giữa chủ tàu - chủ nậu không chỉ là mối quan hệ mua bán, mà giữa họ còn thể hiện ở chữ “tình” trong chuyện làm ăn.
Chủ nậu Võ Thị Hà (ngoài cùng bên trái) ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) gom mua sản phẩm cá ngừ đại dương cho tàu cá là thân chủ của mình.
Chủ nậu (còn gọi là đầu nậu) là những người buôn cá chuyên nghiệp tại các điểm tập kết tàu cá sau mỗi chuyến ra khơi trở về. Bất kể ngày đêm, đầu nậu sẽ túc trực tại bờ để khi tàu cá của ngư dân cập cảng đều có ngay chủ nậu gom mua sản phẩm. Và một luật bất thành văn là “tàu nào - nậu nấy”, mỗi đầu nậu thường sẽ làm ăn với từ 20 - 70 chủ tàu cá.
Bình quân mỗi mùa trăng, chị Hồ Phan Thị Thắm, chủ nậu ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) tiêu thụ sản phẩm cho hơn 50 thân chủ từ Quy Nhơn ra Phù Cát đến tận Hoài Nhơn. “Chủ nậu phải thường xuyên nắm giá thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho chủ tàu với giá tốt thì họ mới tin tưởng mà bán cho mình. Chủ nậu nào cũng cho chủ tàu ứng tiền để bốc “tổn”, sau đó sẽ trừ lại khi mua sản phẩm”, chị Thắm bộc bạch.
Ngư dân Nguyễn Văn Minh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91388 TS, cho biết: “Làm ăn thì phải có lãi, ví như giá sản phẩm theo thị trường là 100 ngàn đồng/kg cá, thì giá chủ nậu mua cho thân chủ là 90.000 - 95.000 đồng/kg cá, họ mua giá cao, lấy lãi ít nên chủ tàu mới tin tưởng mà làm ăn và trở thành bạn hàng!”.
Làm ăn uy tín, giá cả mua bán hợp lý, sòng phẳng, nên nhiều chủ nậu và chủ tàu trở thành bạn hàng “ruột”. Chị Võ Thị Hà, chủ nậu ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Tôi chuyên gom mua sản phẩm của ngư dân và bán lại cho một công ty chế biến và hưởng hoa hồng của công ty. Mua bán đàng hoàng, không o ép giá nên có nhiều chủ tàu ở các tỉnh khác cũng tìm đến bán sản phẩm cho mình”.
Không chỉ đơn thuần là mối quan hệ làm ăn, giữa chủ nậu - chủ tàu còn có mối quan hệ gắn bó tốt đẹp trong tình người, họ thường xuyên giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Chủ nậu Nguyễn Thị Trang, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) kể: "Năm 2017, tàu cá của ông Trương Tha là bạn hàng của tôi bị chìm khi hoạt động trên biển, 6 người trên tàu may mắn thoát nạn, thiệt hại tài sản hơn 1,4 tỉ đồng. Khi mình đến thăm, luật không thành văn mà chủ nậu cũng như ngư dân đều tôn trọng là sẽ không ai nhắc đến khoản tiền đã ứng. Người còn mới là quan trọng nên mình còn động viên an ủi để chủ tàu vượt qua khó khăn. Đận ấy tôi cho luôn số tiền 300 triệu đồng đã đưa ứng; nhiều trường hợp tàu của thân chủ gặp nạn mà chưa liên hệ được tàu đến lai dắt, tôi còn chủ động bỏ tiền ra thuê tàu để chạy ra biển kịp thời lai dắt tàu gặp nạn vào bờ. “Người sống đống của”, ông bà mình dạy rồi, phải biết nương vào nhau mà sống thì mới bền”.
Buồn vui ở vùng cửa biển, cửa sông, lúc có chuyện mừng cũng như khi có nỗi buồn là chuyện chung của tất cả mọi người, không phân biệt người giàu kẻ khó, làm công hay làm chủ. Với chị Hồ Phan Thị Thắm, người có hơn 20 năm làm nghề nậu rỗi, đã nhiều lần chứng kiến cảnh tàu đưa xác ngư dân qua đời trên biển về đến bờ trong khung cảnh não nề bao trùm cảng biển. Mỗi lần như thế những chủ nậu lại âm thầm quyên góp tiền hỗ trợ cho gia đình ngư dân gặp nạn. Chị Thắm tâm tình: “Cách đây vài năm, có người bạn biển không may bị rớt xuống nước và bị chân vịt tàu cưa đứt hai chân dẫn đến thiệt mạng. Mặc dù không bà con ruột thịt nhưng tôi cùng với chủ tàu đã san sẻ trách nhiệm và lo hậu sự cho người đã mất. Vậy đó, chủ nậu gắn bó với ngư dân ở cái tình người mới là quan trọng! ”.
ÐOAN NGỌC