Mô hình phát thanh ATGT trong trường học: Thiết thực, cần nhân rộng
Hơn 4 năm nay, Ðoàn trường THPT số 1 Phù Cát (huyện Phù Cát) đã triển khai thực hiện mô hình “Chương trình phát thanh an toàn giao thông” với nhiều nội dung và cách làm sáng tạo, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông trong cán bộ, giáo viên và học sinh.
Một buổi phát thanh ATGT tại Trường THPT Số 1 Phù Cát.
Mô hình “Chương trình phát thanh ATGT” được bắt đầu thực hiện từ năm học 2014 - 2015 và duy trì cho đến nay. Những ngày đầu mới thành lập, chương trình chỉ phát 2 bài tuyên truyền ATGT mỗi tuần. Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, chương trình phát sóng đều đặn hàng ngày vào đầu và cuối các buổi học.
Để “Chương trình phát thanh ATGT” tại trường đem lại hiệu quả, Ban chấp hành Đoàn trường đã lên kế hoạch, tổ chức viết bài, ghi âm nội dung tuyên truyền về ATGT một cách chi tiết.
“Điểm đặc biệt của mô hình là phần nội dung chương trình phát thanh sẽ do từng lớp đảm nhận thực hiện luân phiên nhau. Đoàn trường và Ban biên tập sẽ chịu trách nhiệm chọn lọc và sửa chữa cho phù hợp với học sinh. Ngoài ra, Ban chấp hành Đoàn trường còn kêu gọi các Chi đoàn tổ chức viết bài về chủ đề giao thông để tham gia phát sóng trực tiếp” - thầy Nguyễn Phúc Huy, Bí thư Đoàn trường cho biết.
Nội dung của “Chương trình phát thanh ATGT” tập trung tuyên truyền về quy định của Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc ATGT, cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông, với thời lượng mỗi chương trình từ 5 - 7 phút. Từ khi triển khai thực hiện, chương trình nhận được nhiều phản ứng tích cực của học sinh, tạo sự chuyển biến trong ý thức của các em về việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.
Em Huỳnh Hoài Thương, lớp 11A3, chia sẻ: “Em tiếp thu, học tập được nhiều kiến thức bổ ích về Luật Giao thông đường bộ thông qua các bài về ATGT được phát trên loa phát thanh của trường. Nhờ đó, em hiểu được tầm quan trọng trong việc chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông như đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, không đi xe máy khi chưa đủ tuổi, không đi hàng 2, hàng 3 hoặc lạng lách đánh võng trên đường, không vượt đèn đỏ…”.
“Những kiến thức bổ ích mà chương trình mang lại đã giúp đoàn viên, học sinh nâng cao nhận thức và hành động trong việc chấp hành tốt luật giao thông. Qua đó, góp phần hạn chế TNGT xảy ra, khắc phục ùn tắc giao thông trước cổng trường” - thầy Nguyễn Phúc Huy cho biết thêm.
Anh Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, bày tỏ: “Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ khuyến khích và nhân rộng mô hình này ở nhiều ngôi trường khác trong tỉnh”.
Theo các nghiên cứu về ATGT thì hiện nay số vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh - sinh viên chiếm gần 90%. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức tham gia giao thông ở lứa tuổi này còn rất kém. Việc lồng ghép phổ biến luật giao thông vào các hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ của học sinh làm cho nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu và gần gũi là cách làm cần được nhân rộng.
Trung tá Ngô Thanh Bình, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, CA huyện Phù Cát, đánh giá: “Đây thật sự là điểm sáng trong hoạt động giáo dục các em học sinh, ĐVTN nâng cao nhận thức, chấp hành tốt trật tự ATGT, nhất là Luật Giao thông đường bộ, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn liên quan tới TNGT”.
TRỌNG LỢI