Để mỗi người dân là một đại sứ du lịch
“Sản phẩm du lịch đặc sắc nhất của mỗi địa phương chính là chiều sâu văn hóa, là sự thân thiện của con người, chứ không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên”. Quan điểm này của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố con người trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch Bình Ðịnh.
Ảnh: LÊ HỒ BẮC
ĐƯỜNG ĐI BỘ VÀ Ý THỨC THỊ DÂN
Chỉ cần xa Quy Nhơn tầm nửa năm rồi quay lại, không cần chịu khó quan sát vẫn dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở thành phố biển. Song, tốc độ phát triển nhanh chóng đã và đang phát lộ không ít hạn chế trong nếp sống đô thị, đặc biệt là về ý thức thị dân.
Công viên An Dương Vương (phường Nguyễn Văn Cừ) hiện được xem là địa điểm lý tưởng để dạo bộ. Ở trung tâm thành phố, công viên lại nằm ngay bên bờ biển; cây xanh, hoa kiểng được bố trí hợp lý, có tính thẩm mỹ. Đặc biệt, những con đường đi bộ được lát đá sạch sẽ thu hút rất đông du khách và người dân địa phương đi dạo, tập thể dục lúc tinh mơ lẫn chiều xuống.
Tuy đi bộ trên con đường dành riêng cho người đi bộ nhưng cũng không tránh khỏi phiền toái. Dù biển cấm xe máy đặt khắp các nẻo vào công viên, nhưng nhiều người vẫn vô tư chạy ào ào. Thậm chí, họ còn chạy nhanh, bấm còi giành đường và sẵn sàng lớn tiếng với người đi bộ. Ngay cả một số nhân viên dọn vệ sinh ở khu vực này cũng vô tư đi xe máy chỉ vì tiện đường. Xe máy dựng dọc đường đi bộ, trong khi bãi đậu xe rộng hơn 2.000 m2 chỉ có ôtô.
Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ông Nguyễn Trung (ở KV 3, phường Nguyễn Văn Cừ) cho rằng, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, làm ảnh hưởng xấu đến nét đẹp nơi công cộng, trong khi kinh phí đầu tư và giữ gìn công viên An Dương Vương không hề thấp. Trong một đợt tiếp xúc cử tri năm ngoái tại phường Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam thông tin rằng, trước tình trạng này, thành phố từng có chỉ đạo làm rào chắn, sau thấy không an toàn nên dỡ bỏ. Tới đây sẽ tính toán dựng vật cản có trang trí nghệ thuật, chỉ cho xe ra biển theo hướng ngang chứ không cho đi dọc đường đi bộ.
Chạy xe máy trên đường đi bộ bên bờ biển không phải là câu chuyện cá biệt về ý thức thị dân. Bàu Sen (phường Lê Hồng Phong) vừa được cải tạo, xanh - sạch - đẹp. Song, hằng ngày, trong khi công nhân vệ sinh chèo sõng dọn rác, thì một số người dân vẫn mang cả thau nước rửa cá thịt, cả bịch rác đổ ào xuống. Bờ kè xi-măng khang trang, sạch sẽ mới hoàn thành được vài ngày đã dậy mùi xú uế. Có vẻ như không gì có thể ngăn cản được sự “tiện lợi” nhất thời cho bản thân của một số người. Và tất nhiên, trong những trường hợp này, ý thức thị dân là điều gì đó quá xa xỉ.
Du khách tham quan tắm biển, lặn ngắm san hô tại đảo Hòn Khô (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn). Ảnh: NGỌC NHUẬN
TRUYỀN THÔNG, VẬN ĐỘNG
Phải thừa nhận một thực tế là du lịch phát triển quá “nóng” đã đặt ra nhiều thách thức cho cả cộng đồng lẫn cơ quan quản lý. Ở một mức độ nhất định, chính quyền địa phương và ngành Du lịch đã có sự vào cuộc tích cực.
Điển hình, trong năm 2018, Sở Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. 6 lớp truyền thông như vậy đã được tổ chức cho đại diện gần 500 hộ gia đình ở Bãi Xép (KV 1, phường Ghềnh Ráng), xã Nhơn Lý, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn).
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Thị Vinh Hương, đợt truyền thông bước đầu giúp cộng đồng dân cư tiếp cận khái niệm, các nguyên tắc chung, lợi ích và trách nhiệm khi phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Đây cũng là cơ hội cho cơ quan chuyên môn tiếp xúc trực tiếp với người dân tại các địa bàn đang có hoạt động du lịch hoặc có tiềm năng phát triển du lịch để nắm bắt mức độ tham gia, năng lực đáp ứng của cộng đồng. Cùng với đó là ý kiến của người dân về những thuận lợi và thách thức khi mở cửa cho du lịch và những tác động tiêu cực mà du lịch mang lại.
“Qua lớp truyền thông, các hộ gia đình được nâng cao kiến thức, nghiệp vụ để thực sự là chủ thể của các hoạt động du lịch tại chỗ; góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương. Đặc biệt qua chuyên đề “Những điều không nên làm đối với cộng đồng khi hoạt động du lịch” đã nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần hạn chế tình trạng chèo kéo, tranh giành khách tại một số điểm du lịch hiện nay”, bà Hương nhận định.
Bên cạnh truyền thông chuyên sâu, các hình thức tuyên truyền khác cũng được triển khai hướng đến các đối tượng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động du lịch. Thời gian gần đây, những tấm panô về “Những quy tắc ứng xử với khách du lịch” được đặt ở các nơi công cộng đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Những tấm panô về “Quy tắc ứng xử với khách du lịch” được đặt ở các nơi công cộng. Ảnh: M.LÂM
HIẾU KHÁCH - THÂN THIỆN - VĂN MINH
Rõ ràng, để định hình sự thân thiện của con người như một thương hiệu của du lịch Bình Định, không thể chỉ trông đợi vào nỗ lực của chính quyền các địa phương hay ngành quản lý.
Du khách không thể ấn tượng tốt về một vùng đất dơ bẩn, nơi con người ứng xử thô lỗ. Ai cũng muốn mình sống trong một thành phố sạch đẹp, văn minh. Song, không phải ai cũng biết tự đặt ra câu hỏi ngược lại rằng, để nơi mình ở sạch đẹp, văn minh, bản thân mình - những thị dân phải làm những gì, tránh làm những gì? Dù nhà cao tầng có mọc thêm lên, công viên cây xanh có nhiều hơn, nhưng khi ý thức thị dân khiếm khuyết, Quy Nhơn vẫn không thể trở thành một thành phố văn minh, sạch đẹp được.
Về nguyên tắc, ý thức của thị dân bất di bất dịch là phải tập sống văn minh. Văn minh từ những nếp sinh hoạt rất nhỏ, như không vứt rác bừa bãi, không chửi thề nói tục. Ở một thành phố du lịch, nơi lượng du khách đổ về tăng từng ngày, người dân còn phải thật sự hiếu khách, thân thiện. Thân thiện từ những cử chỉ hằng ngày, như tươi cười khi chỉ đường, nhiệt tình chụp giùm tấm ảnh lưu niệm...
Chỉ khi mỗi người dân Quy Nhơn - Bình Định tự đặt bên mình 3 chữ hiếu khách - thân thiện - văn minh để trở thành một đại sứ du lịch, khi ấy du khách mới nhắc đến mảnh đất này bằng sự trân quý thật sự.
MAI LÂM