Khi con rồng du lịch biển thức giấc!
Sau một thời gian đeo đuổi Dự án lọc hóa dầu có số vốn đầu tư trên 20 tỉ đô la Mỹ tại Nhơn Hội, tỉnh Bình Ðịnh đã dứt khoát nói “không” với dự án này. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra một cơ hội khác cho Nhơn Hội mà các dự án du lịch được xem như hướng đi khả thi nhất.
Quy Nhơn - thành phố bên bờ biển. Ảnh: NGUYỄN CÔNG TRUNG
CÁ LỚN KHÓ BẮT
Năm 2006, cầu Thị Nại chính thức thông xe, mở ra cho Quy Nhơn một lối thoát khác ở hướng Bắc sau tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu ở hướng Nam. Nhiều đời lãnh đạo tỉnh Bình Định ấp ủ dự án “khó tin” - làm cây cầu vượt biển - với mong muốn cháy bỏng: Phải bắt cho được con “cá lớn”, còn con cá gì thì chưa biết. Để chuẩn bị hiện thực hóa giấc mơ “cá lớn” ấy, Bình Định đã hình thành Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích lên đến 12.000 ha toàn đất sạch. Thực ra thì ở bán đảo Phương Mai và một phần phía Đông của hai huyện Tuy Phước - Phù Cát, trước khi có cây cầu vượt biển 7 km mang tên Thị Nại thì là những bãi đất hoang ngút ngàn, nói cho ngay cũng có nhà cửa nhưng chẳng đáng kể. Vì vậy, chả cần phải “dọn” nhiều, đất ấy đã là đất sạch.
Bây giờ mà triển khai dự án nào, bất luận của tư nhân hay nhà nước, ngại nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Có những dự án, gần như cơm canh đã chín, dọn sẵn lên bàn, chỉ thiếu mỗi… chén, tức một vài gia đình nào đó họ không chịu nhận tiền đền bù và quyết tâm “thúc thủ” nên buộc chính quyền phải cưỡng chế nếu dự án đó phục vụ cho cộng đồng, còn nếu là của tư nhân thì… chịu chết. Trở lại với câu chuyện “đất sạch” ở Nhơn Hội. Tỉnh Bình Định đã chọn Nhơn Hội để “cất cánh” bằng một diện tích 12.000 ha. Diện tích này cho một khu kinh tế cũng không phải là lớn nhưng vị thế của nó thì không nhiều nơi có được, nếu không muốn nói thẳng ra là rất hiếm. Có một bờ biển đẹp, có cảng biển lớn, gần cảng hàng không, giao thông thuận lợi nhờ có cây cầu bắc qua đầm Thị Nại dài “kỷ lục Việt Nam” cho đến lúc đó… thì quả là một ưu thế tuyệt đối. “Mồi” câu đã móc vào lưỡi, thế là hàng loạt “cá lớn” lượn lờ. Một trong những con cá lớn ấy là tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội do Tập đoàn dầu khí Thái Lan đầu tư với số vốn lúc đầu là 28 tỉ USD, sau rút xuống còn 22 tỉ rồi 20 tỉ. Theo tính toán, dự án lọc dầu này đi vào hoạt động sẽ đóng góp 3 - 4% GDP cả nước và khoảng 40% cho Bình Định, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 30.000 lao động và khoảng 100 ngàn lao động gián tiếp. Con “cá lớn” này nếu cắn được “lưỡi câu Nhơn Hội” thì quả là điều Bình Định nằm mơ cũng chưa dám nghĩ. Nhưng cuối cùng, đó cũng chỉ là giấc mơ mà thôi. Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, số vốn chỉ bằng 1/10 của Dự án lọc dầu Nhơn Hội mà “cãi nhau” trên đủ các diễn đàn ngót 10 năm mới xong thì lọc dầu Nhơn Hội không thành hiện thực cũng không có gì phải tiếc nuối cả.
Thế cho nên khi Dự án lọc dầu Nhơn Hội khép lại như vậy kể ra cũng còn là chậm, dây dưa nữa chỉ khổ cho Bình Định, ẩm ương rồi… “lỡ thì” cũng nên. Cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác được mở ra. Các dự án du lịch đã và đang được cấp phép vào Nhơn Hội không hẳn là “lấp lỗ trống” cho dự án lọc dầu mà đây thật sự là hướng đi thích hợp nhất vào lúc này.
Cầu Thị Nại về đêm. Ảnh: NGUYỄN CÔNG TRUNG
CƠ HỘI CHO NHƠN HỘI
Cơ hội đó là du lịch. Với những ưu thế sẵn có thì du lịch vẫn là lựa chọn để ưu tiên cho Nhơn Hội. Không phải chỉ ở Quy Nhơn - Bình Định mà hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung hiện nay tỉnh nào cũng ưu tiên cho các DN đầu tư nào lĩnh vực du lịch. Khánh Hòa là một ví dụ. Sân bay Cam Ranh mỗi ngày đón 30 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc, mang theo khoảng 5.000 - 6.000 du khách sẵn sàng “tiêu cho hết tiền mới về”. Cũng sân bay này, mỗi ngày đón 3 chuyến trực tiếp từ Nga và một chuyến trực tiếp từ Hàn Quốc, sắp tới sẽ mở hàng loạt đường bay thẳng đến Malaysia, Thái Lan… Lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng bình quân mỗi năm trên 7%, riêng khách Trung Quốc tăng trên 25% mỗi năm. Năm 2019, dự kiến sẽ có khoảng 6,8 triệu du khách đến Khánh Hòa, mang đến cho tỉnh này mức doanh thu lên đến 1 tỉ USD (khoảng 22.500 tỉ đồng). Dẫn ra một vài số liệu từ ông bạn “hàng xóm” của Bình Định để thấy rằng chọn du lịch trong thời điểm này để làm đòn bẩy thúc đẩy KT-XH của địa phương là hướng đi phù hợp nhất.
Thực ra không phải đợi đến khi dự án lọc dầu bất thành, tỉnh Bình Định mới kêu gọi các DN đầu tư vào du lịch tại đây. Trong số 74 DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Nhơn Hội thì đã có 16 DN là chuyên về du lịch. Điển hình là Tập đoàn FLC. Có thể nói việc hình thành khu resort của Tập đoàn FLC tại Nhơn Hội như một điểm nhấn, kéo theo nó hàng loạt các dự án khác. Kể từ khi khu resort của FLC xuất hiện tại Nhơn Hội, sân bay Phù Cát cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn. Trong hành trình “vui chơi cuối tuần” của người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tên gọi Quy Nhơn là một trong những địa chỉ đã bắt đầu lưu vào bộ nhớ của họ. Mà khác với giai đoạn đầu, giờ đây không chỉ giới nhà giàu mới “cưỡi phi cơ” vào Quy Nhơn mà ngày càng có nhiều du khách trung lưu, thậm chí là bình dân ở 2 thành phố ấy chọn Quy Nhơn làm nơi vui chơi cuối tuần. Đặc biệt là từ khi Bamboo Airway cất cánh.
Đầu tư vào lĩnh vực du lịch hiện nay, các DN có thừa khôn ngoan để tính đường lâu dài cho dự án của mình. Không phải chỉ xây dựng các tòa cao ốc hoặc các “nhà vườn” đầy đủ tiện nghi thì mới hút được du khách mà phải là “du lịch thân thiện” - một “trend” (xu hướng) mới của ngành công nghiệp không khói này. Trong số 16 dự án du lịch được cấp phép tại Nhơn Hội thì số DN được cấp đất tính bằng con số “trăm héc-ta” chiếm đa số. Tập đoàn Hưng Thịnh với khu Hải Giang Bay là một ví dụ. Với các đề án phát triển từ những khu du lịch này tại Nhơn Hội, trong chừng 5-10 năm tới, đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
* * *
Tôi có nhóm bạn hay đi xuyên Việt bằng phương tiện tự túc. Trên đường xuyên Việt mới đây, thay vì luồn hầm Cù Mông cho biết, họ ghé xuống Quy Nhơn để… tắm biển. Tôi có thắc mắc với họ rằng biển Quy Nhơn đâu có là đặc sản mà ghé lại để tắm? Và nhận câu trả lời là: Tắm chỉ là phụ, ăn bún cá (có người thì bảo ăn bánh hỏi lòng heo hoặc bánh xèo) mới là chính. “Ngon dã man luôn”. “Rẻ nữa”- một người khác trong nhóm bổ sung. Thật ra chả có ai… ham ăn đến thế, cũng chẳng có đam mê với thú vui ẩm thực. Nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng muốn trải nghiệm, xác tín thông tin “Quy Nhơn: xinh đẹp - bình yên - ăn ngon - ở rẻ - thứ chi cũng lành”. Giữ cho tốt cái tiếng thơm đó và làm cho nó ngày càng lan tỏa hơn, tôi nghĩ là chuyện chính quyền Bình Định mà trước tiên là TP Quy Nhơn nên “cố” mà làm cho được, gắng động viên thị dân Quy Nhơn bồi trúc cho vững vàng. Có khi chuyện đó quan trọng chẳng kém việc thu hút những dự án tỉ đô.
Tôi nghĩ, tất cả những thứ đã níu chân du khách ấy, cũng là “cơ hội” cho Nhơn Hội, cho Quy Nhơn, Bình Định vậy. Cơ hội mở ra, đôi khi chỉ mở có đúng một lần!
TRẦN ÐĂNG