Cơ hội cho nhân lực công nghệ thông tin
Sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin (CNTT) kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chừng 2 năm trở lại đây, một số "ông lớn" về CNTT như Công ty TNHH TMA Solutions (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Phần mềm FPT (Hà Nội) tiến đến đặt cơ sở tại Bình Định, cùng với đó là 4 - 5 công ty phần mềm khác tuyển dụng 10 - 40 kỹ sư/năm. Từ đây, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành CNTT tại Bình Định bắt đầu rộng hơn.
Đội ngũ kỹ sư CNTT tại TMA Bình Định phần lớn là người Bình Định.
CƠ HỘI RỘNG MỞ
Đặng Anh Khoa (SN 1993, TP Quy Nhơn) - tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông Trường ĐH Quy Nhơn cho biết: "Tôi làm việc tại đội kiểm thử IoT (internet vạn vật) của TMA Bình Định đã gần 1 năm. Ban đầu cũng nhiều bỡ ngỡ bởi môi trường của TMA không chỉ yêu cầu kỹ thuật mà liền đó là những kỹ năng mềm khác, đặc biệt tiếng Anh, đòi hỏi bản thân phải tự học, tự rèn luyện rất nhiều”.
Đề cập đến con số nhân lực đang làm việc tại TMA Bình Định, ông Nguyễn Ngô Duy Bình - Giám đốc TMA Bình Định cho hay, trong số 50 kỹ sư tin học chỉ có… 3 người không phải dân Bình Định. Kể cả nhân lực đang đào tạo để tiếp tục tuyển dụng cho kế hoạch 100 kỹ sư CNTT cuối năm nay cũng hết 95% là sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Nguồn tại chỗ không đủ, TMA Bình Định còn phải “lôi kéo” nhiều bạn trẻ người Bình Định đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về.
Các DN cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT cho thị trường Nhật Bản đang là mục tiêu chiếm khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng. TMA Bình Định cũng đang có 3 kỹ sư làm việc tại Nhật Bản. Hơn 2 năm gắn bó với TMA tại TP Hồ Chí Minh, giữa năm 2018, anh Bùi Đức Lực (SN 1994, ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) trở về làm việc tại bộ phận phát triển phần mềm của TMA Bình Định. “Môi trường làm việc có thể chưa như TP Hồ Chí Minh, nhưng cơ hội ở đây không ít. Hiện, tôi đang được tạo điều kiện theo học lớp tiếng Nhật để tham gia các dự án của TMA tại Nhật”, Lực vui vẻ kể.
Ông Vũ Văn Đông, Giám đốc FPT Software Quy Nhơn, khẳng định, trong vài trăm kỹ sư hiện đang làm cho FPT Software Quy Nhơn, gần một nửa là người Bình Định. Họ đáp ứng đủ về kỹ năng chuyên môn nhưng để sang Nhật làm việc cần phải có thêm kỹ năng ngoại ngữ.
GIEO ĐỂ "GẶT"
Xây dựng Công viên sáng tạo TMA tại khu Đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn), TMA đặt mục tiêu tuyển dụng 3.000 kỹ sư trong vòng vài năm tới. Trong khi đó, riêng 2019, FPT Software Quy Nhơn dự kiến nhân sự sẽ đạt con số 500 kỹ sư (mảng ITO - gia công phần mềm sẽ là 100 và mảng DPS - dịch vụ xử lý số - tăng lên 400).
Đây là những con số rất hấp dẫn và cơ hội cho các nguồn cung là các cơ sở đào tạo nhân lực như Trường ĐH Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Ngô Duy Bình, đầu ra của nhà trường là đầu vào của DN. TMA Bình Định đã phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn lập trung tâm thực hành tại trường có thể tiếp nhận cùng lúc 60 sinh viên thực tập, học các chuyên đề dưới sự hướng dẫn của chuyên gia TMA. Theo kế hoạch, cuối năm nay TMA mở chương trình đào tạo cho sinh viên ĐH, CĐ mới ra trường có đủ khả năng gia nhập vào TMA, hoặc các DN CNTT khác.
Tương tự FPT Software cũng ký kết với Trường ĐH Quy Nhơn chương trình hợp tác hướng nghiệp, đào tạo và tuyển dụng nhân lực CNTT. Trong đó, tập trung phối hợp chặt chẽ công tác tuyển sinh, chuyển giao và hỗ trợ chương trình đào tạo, hướng nghiệp, thực tập, tuyển dụng… Nhiều sinh viên năm 2,3 của trường đang làm bán thời gian tại các DN này.
Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Đỗ Ngọc Mỹ cho hay, nhà trường đã có kế hoạch cụ thể về đào tạo, với quy mô đào tạo ngành CNTT trung bình mỗi năm tăng 15%-20%; năm học 2018 - 2019, trường mở đào tạo kỹ sư kỹ thuật phần mềm. Năm học tới, trường tuyển sinh đào tạo các ngành mới đang rất “hot” là Khoa học dữ liệu, Toán - Tin ứng dụng, Thống kê. “Nhà trường cũng chú trọng mục tiêu đào tạo phát triển nền tảng vững chắc về kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng mềm - những kỹ năng quan trọng trong thời đại công nghệ số mà các DN đang săn tìm”, ông Mỹ nhấn mạnh.
HOÀNG ANH