Thị trường xuất khẩu lao động: Nghề nào, đi đâu?
Hết quý I/ 2019, Bình Ðịnh có 261 lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động và có 180 lao động sang Nhật Bản. Ngoài Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc, Ðài Loan cũng hấp dẫn không kém. Tín hiệu vui này mở ra một trang mới đầy triển vọng đối với xuất khẩu lao động của tỉnh.
Gia đình bà Võ Thị Kim Hường (bìa phải - 51 tuổi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) có 3 người con đi XKLĐ, trong đó 2 người con đăng ký đi lần 2.
Năm 2018, các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Bình Định đã đưa 607 lao động đi làm việc tại các thị trường khác nhau, vượt chỉ tiêu đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh, trong đó đông nhất là đến Nhật Bản với 470 người.
Chị Lê Minh Thùy, đại diện Công ty CP dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco) ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: Nhật Bản là thị trường mà NLĐ ở Bình Định nói riêng, cả nước nói chung lựa chọn nhiều nhất. Số lượng NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh và nhanh hơn khi dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua và có hiệu lực từ tháng 4.2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345 ngàn lao động nước ngoài mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ Việt Nam. Các ngành nghề cần tại Nhật Bản: công nghiệp điện/điện tử/thông tin, xây dựng, hàn, tiện…
Hiện nay, trong các quốc gia mà NLĐ thường hướng đến nhất, lương cơ bản ở Nhật Bản cao nhất bình quân 27 - 33 triệu đồng/tháng/người; ở Hàn Quốc khoảng 23 - 27 triệu đồng/tháng/người, còn Đài Loan khoảng 18 - 23 triệu đồng/tháng. Dù vậy, có một điều đáng để tham khảo là tuy lương thấp hơn nhưng tổng thu nhập ở Hàn Quốc trong nhiều trường hợp lại cao hơn ở Nhật Bản. Anh Nguyễn Trung Thiệp (37 tuổi, thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) cho biết: “Tôi làm thuyền viên trên tàu đánh bắt hải sản ở TP Busan, Hàn Quốc, lương cơ bản 23 triệu đồng nhưng tổng thu nhập mỗi tháng lại hơn 35 triệu đồng. Bởi ở Hàn Quốc thường có nhiều giờ làm thêm hơn, cách tính lương làm thêm có hệ số cũng cao hơn các nước khác”.
Hầu hết người đi xuất khẩu lao động đều có mục đích là kiếm sống. Do đó, NLĐ tính toán đi nước nào, chi phí và mức lương ở đâu cao hơn, ổn định hơn để chọn lựa. Chị Nguyễn Thị Hảo (23 tuổi, thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Tôi chọn đi Đài Loan vì chi phí rẻ, mức lương cơ bản thấp nhưng được làm thêm giờ nhiều hơn. Trong 3 năm, nếu tôi cố gắng làm việc thì mức tích lũy được sẽ nhiều hơn so với những nước khác”. Theo kinh nghiệm của những người đã đi XKLĐ thì ngoài việc nâng cao ý thức, kỷ luật, tác phong chấp hành đúng luật pháp, nội quy nơi làm việc, NLĐ còn phải hiểu rõ phong tục tập quán, văn hóa, cách ứng xử của nước đó.
3 tháng đầu năm 2019, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định đã đưa 250 người đi Nhật Bản, 11 người đi Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Ước tính còn 400 NLĐ đi XKLĐ đến cuối năm 2019. Điểm sáng nhất trong XKLĐ năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là việc đưa NLĐ đi làm việc ở những thị trường tốt Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm tỉ trọng lớn, với 95%. Chúng tôi đã chấm dứt đưa NLĐ đi thị trường nhiều rủi ro như Malaysia, các nước Trung Đông. Ngoài ra, một số thị trường mới cũng đã được mở ra như: Rumani, Bungary, CHLB Đức…
"NLĐ thông qua các đơn vị của Sở LĐ-TB&XH được nhà nước đảm bảo mọi quyền lợi mức lương, điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi. Còn việc NLĐ chọn đi XKLĐ nước nào có mức lương cao, thu nhập ổn định thì còn phụ thuộc trình độ, nghề nghiệp” - ông Hùng nhấn mạnh.
HẢI YẾN