Tài sản vô hình, tài nguyên vô giá
Với tôi, Khí Chất - Tâm Hồn người Bình Ðịnh là một dạng tài nguyên - tài sản quý giá chưa được khai thác hết các giá trị.
Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng đã có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới, của nhân loại, Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn ở Quảng Nam, nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ trong đó có Bình Định là ví dụ… Rồi sẽ thêm nhiều di sản khác được công nhận. Nhưng tôi tin, còn một tài nguyên - tài sản khác, vô hình nhưng không khó để nhận biết, nó làm nên tính cách của con người ở một vùng đất, nó làm nên sự khác biệt của một cộng đồng; nó ẩn giấu phần sâu thẳm nhất của tinh hoa con người được hình thành và phát triển qua cả nghìn năm. Tài sản ấy là Khí Chất, là Tâm Hồn của con người một xứ, mà không phải xứ sở nào cũng có.
Không khó để nhận ra, để định danh tài sản ấy qua suốt chiều dài lịch sử, qua thăng trầm của số phận những con người ở vùng đất mang tên Bình Định.
* * *
Tôi đã có may mắn sống ở Quy Nhơn, ở Bình Định 10 năm, thời gian ấy không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để tiếp xúc với người Bình Định, để có những bạn bè là người Bình Định, để nhận ra từ họ những gì làm nên phần cốt lõi của cái vô hình ở một con người. Thật khó để định hình tâm hồn, thật khó để định vị khí chất của một cộng đồng hay của những con người trong cộng đồng ấy. Nhưng nó lấp lánh hiện diện, bên trong mỗi con người, bên trong cả cộng đồng.
Khi ta nói, người ở vùng đất ấy có tinh thần nghĩa hiệp, là ta đã động tới khí chất của một cộng đồng người. Bình Định vì sao được gọi là “Đất Võ”? Không phải tất cả người Bình Định đều giỏi võ, nhưng đúng là võ thuật đã ăn sâu vào đời sống, vào tâm thức, vào cả cách sống và cách hành động của rất nhiều người Bình Định.
Người xưa có câu “Kiến ngãi bất vi vô dõng giả”, mà có một nhà thơ đất phương Nam đã dịch là “Thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ”. Làm việc nghĩa, hành nghĩa và hành thiện, không quản gian nguy để cứu giúp người bị hoạn nạn, lặng lẽ đứng về phía chính nghĩa mà chiến đấu… Những điều ấy, người Việt Nam đều có, nhưng thật lạ lùng, nó đặc biệt thể hiện một cách sáng chói ở người Bình Định.
Thì chúng ta đã có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Chúng ta có một thiên tài đa diện là Hoàng đế Quang Trung - tức người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Người đã làm nên tầm vóc của một dân tộc, một đất nước trước bọn xâm lược phương Bắc, Người đã nuôi mơ ước xây dựng một quốc gia phú cường, một nhân cách người Việt anh hùng và nhân ái. Từ Quang Trung - Nguyễn Huệ có thể nhìn thấy những phần tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, và đặc biệt là của người Bình Định, vốn phần lớn có gốc gác từ những lưu dân Nghệ Tĩnh.
Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, các đời vua của triều Nguyễn tiến hành nhiều biện pháp trả thù đối với vua quan nhà Tây Sơn. Dù vậy, với tinh thần thượng võ, bao dung, người Bình Định vẫn tiếp tục dành cho hai trung thần của triều Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu lòng tôn kính, ngưỡng mộ… Nhìn từ đây có thể thấy được một góc tâm hồn đẹp đẽ của người Bình Định. Từ hành xử đại nghĩa của một bậc trượng phu Trần Quang Diệu đến tấm lòng hoài niệm của người dân Bình Định xưa và nay đối với trung thần Võ Tánh, Ngô Tùng Châu là bài học luôn luôn mới đối với mọi thế hệ.
Nếu khí chất của người Bình Định tụ hội, thành điển hình xuất chúng ở Quang Trung - Nguyễn Huệ, thì khí chất ấy cũng lại lan tỏa ở những người Bình Định rất bình thường. Khi tôi đọc trên báo về tấm gương một “hiệp sĩ đường phố” ở Sài Gòn ra tay bắt cướp, bảo vệ tài sản và tính mạng cho dân lành, tìm hiểu ra, tôi lại biết người “hiệp sĩ bình dân” ấy là một người chạy xe ôm quê ở Phù Mỹ, Bình Định. Nhiều người lao động nghèo quê Bình Định đã tình nguyện tham gia những nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở Sài Gòn, ở Bình Dương, ở nhiều thành phố phía Nam khác. Họ bắt cướp, lấy lại tài sản bị cướp trả lại cho dân lành. Quê ở Bình Định đất Võ, nên họ được học võ từ nhỏ, nhưng họ còn được học một điều lớn lao hơn, là tinh thần nghĩa hiệp truyền từ ông cha mình.
Tôi tin rằng chính tinh thần ấy đã giữ cho họ luôn ở phía chính nghĩa, phía lành sạch của nhân dân, luôn muốn làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng, ra tay bảo vệ những người yếu thế. Không hiểu sao tôi luôn hình dung rằng người Bình Định chịu ảnh hưởng rất mạnh, từ Nguyễn Lữ, em ruột Nguyễn Huệ, dân gian quen gọi là thầy Tư Lữ, một người hùng sống lẩn khuất giữa những người dân nghèo, chia ngọt sẻ bùi với người nghèo, bảo vệ họ bằng lòng nhân ái và sức mạnh của tinh thần nghĩa hiệp và tất nhiên không thể thiếu võ thuật. Nguyễn Lữ, thầy Tư Lữ chính là tác giả của bài võ “Hùng kê quyền” - bài võ nổi tiếng còn truyền lại tới ngày nay, mà truyền nhân nổi tiếng nhất là một người nông dân Quảng Ngãi quê tôi - lão võ sư Ngô Bông (1923 - 2011).
Khí chất là một phạm trù lớn, bao trùm, làm nên nhân cách con người. Khí chất mạnh mẽ, tinh thần quảng đại, lối sống vị tha, biết quan tâm tới người khác, biết làm việc tốt vì cộng đồng, đó là một tài sản vô hình nhưng cũng là một tài nguyên vô giá mà người Bình Định, mảnh đất Bình Định có được. Khai thác tài nguyên ấy để làm giàu cho cuộc sống người Bình Định xem ra còn quan trọng hơn cả khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Khi ta nói, Bình Định không chỉ là “Đất Võ”, Bình Định còn có cả một “Trời Văn”, là ta đang nói tới Tâm Hồn người Bình Định. Tâm hồn cũng là một tài sản vô hình, nhưng nó có thể hiện diện trong cuộc đời trong nhân cách trong lối sống của con người. Không chỉ những văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật mới sống có tâm hồn, mà mọi con người bình thường, khi sống có cảm xúc, sống có tình cảm, sống vì mọi người thì đều sở hữu được tài sản vô hình là tâm hồn. Và đó cũng là một tài nguyên, một tài nguyên vô giá không chỉ giành cho từng con người, mà giành cho cả cộng đồng, cho non sông đất nước.
Bây giờ, một người sống có tâm hồn là một người biết yêu thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường, biết chăm sóc và bảo vệ trẻ em, biết phẫn nộ trước những hành động xâm hại trẻ em. Người sống có tâm hồn là người sống hiếu để, với ông bà cha mẹ, tổ tiên, với những anh hùng dân tộc, với những người có công đã hy sinh vì nước. Xem ra, tâm hồn là vô hình nhưng sự thể hiện nhiều khi lại rất hữu hình và đa dạng, nó mang lại những ý nghĩa rất tích cực trong cuộc sống.
Từ “Đất Võ Trời Văn” tới Khí Chất và Tâm Hồn là một liên kết rất tự nhiên, rất bền chặt. Mong sao, lãnh đạo tỉnh Bình Định, những người có trách nhiệm với Bình Định, những người yêu mến mảnh đất Bình Định quan tâm tới tài - nguyên - vô - giá - và - đặc - biệt này. Vì đây là tài sản vô hình nên chỉ cần biết giữ gìn, biết phát huy ở mọi con người trên mảnh đất này thì có thể bền vững và khai thác mãi vẫn còn, như mạch nước dồi dào vô tận.
Với tài nguyên vô giá này, thì gìn giữ và phát huy chính là đã khai thác!
THANH THẢO