Dấu tích Trường Lũy trên đỉnh La Vuông
Trên núi La Vuông (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) có một đoạn Trường Lũy dài vắt ngang đỉnh núi, uốn lượn qua những cánh rừng, nối từ Quảng Ngãi cho tới vùng núi huyện An Lão. Những ghi chép về Trường Lũy trên đỉnh La Vuông thôi thúc chúng tôi băng rừng, lên núi để tận mắt nhìn thấy công trình lịch sử kỳ vĩ này.
Những dấu tích về lũy đá tại Đồn Thứ - một căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định đi qua địa bàn xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) ngày nay.
Có leo nổi không? Đó là ánh mắt của người bạn địa phương ở Hoài Sơn dẫn đường khi nghe đề nghị của tôi rằng muốn khảo sát thực tế đoạn Trường Lũy nằm sâu trong rừng giữa ngọn núi có tên - núi Chúa.
“Núi Chúa thì tôi không dẫn bạn đi được đâu! Muốn lên núi Chúa phải có người thông thạo địa hình, như cán bộ kiểm lâm hoặc những người chuyên đi rừng thì... may ra. Các bạn chỉ mới nghĩ đến việc lên tới nơi chứ chưa nghĩ đến chuyện về tới chốn, đúng không?”, bạn tôi trả lời "nhưng trước mắt tôi sẽ đưa các bạn tới Đồn Thứ, một phần quan trọng của hệ thống Trường Lũy".
Theo ghi chép của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ðồn Thứ là một trong những căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống Trường Lũy đoạn qua Bình Ðịnh. Kết quả cuộc khai quật, Ðồn Thứ có diện tích 16.000 m2, chia thành 2 khu vực, phía Nam rộng 10.000 m2, phía Bắc rộng 6.000 m2. Ngoài việc đảm bảo về mặt quân sự, Ðồn Thứ còn là nơi tổ chức các nghi lễ thờ tự, tín ngưỡng của quân lính và dân cư trong vùng.
Vậy là chúng tôi đến Đồn Thứ! Dẫn đường cùng với bạn tôi là ông Nguyễn Văn Việt - một người dân địa phương rành rẽ về núi rừng La Vuông. Theo hướng ông Việt chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường dân sinh xuyên giữa những rừng keo, dốc lên thẳng, lên thẳng; tính từ UBND xã Hoài Sơn tới Đồn Thứ chỉ chừng 7 km, nhưng mất gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi.
Đồn Thứ trước mắt chúng tôi là hai lũy đá chạy song song, có đoạn cao chừng 4 m, rộng 2,5 m, có những đoạn bằng phẳng rộng chừng 5 m. Ngay vị trí bằng phẳng nhất trong đoạn, ông Việt chỉ ngay: Đây là điểm đóng chốt quan sát của Đồn Thứ. Vừa nói, ông vừa phát những bụi gai, tre bò phủ quanh lũy đá, lộ ra một bờ đá xếp gọn, xen vào nhau, sau nhiều năm gần như đã kết chặt vào nhau. Đi hết đoạn này, ông Việt dẫn chúng tôi đi về những đoạn lũy đã vùi sâu trong đất, khuất bụi rậm. Theo chân ông Việt, rảo quanh Đồn Thứ, nhiều đoạn lũy đá không còn nguyên vẹn. Đoạn thì bị cây cối um tùm bao phủ, đoạn thì nằm trong đất canh tác nên nhiều người đã phá bỏ để lấy đất. Có những đoạn dài đã bị đào nát để lấy những gốc cây, đất đá vương vãi. Đoạn nguyên vẹn nhất là những đoạn được giữ lại với mục đích làm rào chắn cho khu vườn. Từ những đoạn lũy nguyên vẹn được ông Việt phát quang, chúng tôi chụp lại nhiều tư liệu về cấu trúc của đá, hình khối, kích thước, sắp xếp của lũy đá.
Đi hết hai dãy lũy tại Đồn Thứ, ông Việt dẫn chúng tôi tới khu đất bằng ở giữa. Ở đó là 4 bờ đá được xếp thành hình vuông chừng 6 m, mỗi vị trí có những mô đá cao hơn bình thường. Nhiều đoạn đứt gãy, có đoạn bị vùi trong đất do người dân khoanh vùng trồng cây lâu năm, trồng mì. Từ dấu tích còn lại, khu đất bằng này có lẽ là nơi người xưa xây dựng chỗ nghỉ ngơi cho đội quân đồn trú nơi đây.
Dạo quanh, tôi hỏi thăm ông Việt, có biết đây là một phần của hệ thống Trường Lũy không? Trường Lũy nói nghe lạ quá, hỏi bờ đá thì dân ở đây ai cũng rõ. Bờ đá có từ thuở cha ông, dân thì cũng không ai lấy đá làm gì, một đôi người họ canh tác có đào xới thôi, nó nằm trong đất rẫy của họ mà. Độ mấy năm trước, có nhiều người về đây thuê người dân quét dọn, vệ sinh sạch sẽ để chụp hình. Lâu sau họ đi mất, đến nay cũng không thấy ai nói gì, bờ đá vẫn ở kia thôi - ông Việt ngạc nhiên hỏi lại.
Mặc dù đã hư hỏng nhiều đoạn nhưng rõ ràng phần còn lại của Trường Lũy ở Hoài Sơn vẫn đủ giúp người ta hình dung quy mô của hệ thống phòng thủ đa năng này. Những giá trị về lịch sử, văn hóa của Trường Lũy rõ ràng chưa được người dân nơi đây biết đến nhiều, cho nên với đà này nguy cơ chúng ta sẽ mất dần Trường Lũy là có thật.
Đồn Thứ chỉ là điểm đầu tiên, gần nhất trong hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Đoạn Trường Lũy mà theo miêu tả của người dân như một con rồng uốn lượn qua những cánh rừng già đó là đoạn Trường Lũy nằm sâu trong núi Chúa trên đỉnh La Vuông. Ánh mắt của tôi nhìn theo minh họa trong lời kể của ông Việt, như hiểu được ý định, ông nói ngay: Muốn lên núi Chúa? Không dễ! Trở về đi, chuẩn bị sức khỏe thật kỹ lưỡng đã. Khi đó, tôi sẽ dẫn mấy cô, cậu vô núi Chúa. Bờ đá sâu trong rừng già, núi thẳm, là một phần không tách rời của vùng đất này. Để lên tới đó - trên đỉnh La Vuông, các bạn cần đảm bảo sức khỏe thật tốt. Đường lên đó chỉ dựa vào sức người. Sâu trong La Vuông còn nhiều câu chuyện hấp dẫn khác, tôi sẽ để dành cho các bạn dịp sau.
Rời khơi Đồn Thứ, ngước nhìn đỉnh La Vuông xanh ngút ngàn, chúng tôi thầm nhắc với nhau sẽ trở lại nơi này như lời hẹn với người bạn dẫn đường.
THU DỊU - NGỌC NHUẬN