Vui học cùng trò chơi dân gian
Sau nhiều lần đến các trường có tổ chức thường xuyên trò chơi dân gian cho học sinh ở các huyện Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn, tôi cảm nhận rất rõ một điều: Trò chơi dân gian có thể mang lại cho các em học sinh rất nhiều niềm vui, tạo hiệu ứng tích cực để học tập tốt hơn.
Trò chơi ô ăn quan theo hình thức đánh cờ người ở Trường THCS Ân Hảo Tây.
VUI TỪ SÂN TRƯỜNG...
Không chỉ tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như: chăm sóc vườn rau sạch, tham quan, dã ngoại..., Trường mầm non Sen Hồng (TP Quy Nhơn) còn cho các bé chơi trò chơi dân gian tại trường. Chị Lê Ngọc Hân, Giám đốc Trường mầm non Sen Hồng cho biết, khi tổ chức đi trải nghiệm, dã ngoại, các cô tổ chức trò chơi dân gian để các bé rèn luyện và thêm phần hào hứng. Nhiều người cho rằng Trường mầm non Sen Hồng có quá nhiều lợi thế, trước tiên là trường này có vốn lớn. Nhưng ngược lại, nhiều giáo viên ở Sen Hồng lại ao ước giá có thêm không gian, giá trường rộng rãi hơn để các cháu chơi cho… đã.
Với lợi thế là ngôi trường ở nông thôn, có sân rộng và nhiều cây xanh, Ban giám hiệu Trường tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước) quyết tâm biến sân trường thành điểm vui chơi cho học sinh. Ở sân trường thầy cô kẻ sẵn các khoảng sân dành cho các trò chơi dân gian khác nhau như: ô ăn quan, chơi keo, chơi ô chuông, chơi cờ... Vật dụng để chơi được giữ gìn ở tủ sách thư viện xanh, khi chơi xong, học sinh chủ động dọn dẹp gọn gàng. “Tuổi học sinh hay hiếu động nên mọi người hay than phiền các em nghịch quá. Vì không xây dựng hoạt động để các em tham gia thì các em phải nghịch thôi. Vì lẽ đó, nhà trường xây dựng khoảng sân trường xinh xắn, tổ chức nhiều hoạt động cho các em vui chơi, rèn luyện. Khi ra chơi các em tự chọn trò chơi cho mình, có nhiều em giờ tan trường còn muốn chơi nữa nên phụ huynh đành... đứng đợi. Lân la bắt chuyện, một phụ huynh cho biết khi ngắm con chơi cũng là lúc họ nhớ về thời thơ ấu của chính mình.
"Giờ đây học sinh của trường biết chơi nhiều trò chơi dân gian mà giờ ít người còn chơi được, tôi nghĩ ngoài những ý nghĩa sâu sắc mà trò chơi dân gian mang lại cho các em, đây cũng là một cách giữ gìn những trò chơi nay đã ít người biết đến” - thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Phước Sơn bày tỏ.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn hào hứng với trò chơi dân gian trong giờ ra chơi.
... ĐẾN NHỮNG HỘI THI
Không chỉ cho bé tham gia chơi trò chơi dân gian thường ngày, ngày 16.3, Trường mầm non Phước Thành (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) còn rộn ràng bởi Hội thi Bé với trò chơi dân gian. Hội thi gồm 4 nội dung như: nhảy bao bố, kéo co, chạy tiếp cờ, ô ăn quan, qua đó nhằm giáo dục cho trẻ hiểu biết về các trò chơi dân gian, góp phần phát triển thể lực, các tố chất về vận động và tinh thần cho trẻ.
Dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26.3) vừa qua, Trường THCS Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân đã để lại ấn tượng mạnh cho học sinh toàn trường bởi cách tổ chức trò chơi dân gian quy mô và đầy sáng tạo với các trò chơi đánh nẻ và ô ăn quan. Trong đó, ở trò chơi ô ăn quan có sự sáng tạo dựa trên trò chơi đánh cờ người. Ván cờ ô ăn quan được vẽ to giữa sân trường, học sinh tượng trưng cho những quân cờ đứng vào các ô, một bên cờ xanh, một bên đỏ. 2 kỳ thủ điều khiển ván cờ đứng trên cao cầm micro ra hiệu lệnh. Em Cao Đoàn Hồng Quân (học sinh Trường THCS Ân Hảo Tây, kỳ thủ điều khiển ván cờ) chia sẻ: “Lúc nhỏ em cũng hay chơi ô ăn quan nhưng lên cấp 2 em ít chơi dần. Lần đầu tiên em chơi ô ăn quan theo kiểu đánh cờ người, em thấy cách chơi này khá thú vị nhưng khó nhìn hơn rất nhiều nên người chơi phải tinh mắt, tính toán thật cẩn thận mới không bị thua”.
Thầy Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây cho biết, trông đơn giản như vậy nhưng trò chơi dân gian rèn luyện rất nhiều cho học sinh về độ khéo léo nhanh nhạy, sức khỏe...
THẢO KHUY