Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân: Bước chân không mỏi đã về nơi mãi mãi
Rạng sáng 30.4, nhà nghiên cứu lão làng Nguyễn Xuân Nhân đã mất đi trong niềm tiếc thương về một người đã dành trọn cả cuộc đời không ngừng cống hiến, như “cánh chim không mỏi” chao lượn trên khắp bầu trời văn hóa dân gian. Ông đã để lại nhiều công trình “tìm vàng dân gian” rất giá trị cho đời sau.
Nhà nghiên cứu lão làng Nguyễn Xuân Nhân hay như nhiều người quen gọi với tất cả lòng kính trọng - Thầy Nguyễn Xuân Nhân.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đang xem lại các phần đã thực hiện trong công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại cách đây gần hai năm.
Đôi chân không mỏi...
Trong cuộc đời cống hiến tận tâm tận lực cho văn hóa dân gian, thầy Nguyễn Xuân Nhân chưa bao giờ nghiên cứu theo kiểu “ngồi tại chỗ”. Phương pháp nghiên cứu của ông công phu, cẩn trọng, khoa học, ông luôn tận dụng cơ hội điền dã để đối chiếu lý luận với thực tế. Đó là sự kết hợp tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, tham khảo thêm các công trình nghiên cứu của những người đi trước, đồng thời đầu tư rất nhiều thời gian, công sức đi thực tế đến tận nơi đã có nguồn tư liệu hoặc chưa có nguồn tư liệu. Qua đó, so sánh, đối chiếu để đưa ra những nhận định, góc nhìn mới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân hưởng thọ 87 tuổi. Lễ viếng ông tại nhà riêng (số 2/62 đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) bắt đầu từ 14 giờ 30 ngày 30.4. Lễ di quan vào lức 15 giờ 15 phút ngày 3.5.
Gần chục năm trước, khi ấy, tôi hỏi ông đã 76 tuổi mà vẫn còn lặn lội đi nhiều nơi xa xôi trong tỉnh, thực hiện nhiều cuộc điền dã. Ông chia sẻ đi thực tế tìm hiểu ở những vùng núi cao hiểm trở trong và ngoài tỉnh, có lúc ngồi xe ôm vượt các con dốc cheo leo hàng giờ đồng hồ thì “xương cốt người già như muốn rớt ra”. Nhưng sự vất vả, cực nhọc này chẳng thấm vào đâu so với niềm vui khi ông được đến khám phá những nơi mình chưa đến, có thêm những tư liệu giá trị và phát hiện mới. Ông tâm sự: “Ở đời, khen chê là vô cùng. Có người nói tôi “già mà hâm”, nhưng tôi luôn sống như thế và làm những gì mình thích, đi theo con đường mình đã chọn. Tôi sẽ đi sưu tầm văn nghệ dân gian đến khi mắt mờ không nhìn thấy, chân đau không đi được nữa mới thôi...”.
Tình yêu vô cùng to lớn, tinh thần cống hiến không mệt mỏi đã tạo nên “sức đề kháng” để nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân quyết không để “mắt mờ, chân đau” mà lại càng đi nhiều, nghiên cứu nhiều hơn khi đã bước qua tuổi bát thập. Chỉ riêng trong hai năm 2013-2014, thầy Nhân đã có tới 5 lần cỡi thuyền vượt sóng ra Nhơn Châu điền dã, tìm kiếm tư liệu khoa học. Mỗi lần đi thường kéo dài hàng tuần, người dân trên đảo từ già đến trẻ đã dần quen mặt, kính trọng tâm huyết của cụ Nhân, nhất là khi ông nhất quyết leo lên núi cao đến nhiều địa danh trên đảo mà nhiều người trẻ còn ngán ngại, rồi đi thuyền thúng vượt sóng lớn quanh đảo để có được những phát hiện, hình ảnh giá trị cho công trình nghiên cứu hoàn thành sau này của mình.
Hai trong số những công trình cụ Nguyễn Xuân Nhân tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu, đồng tác giả thực hiện.
Những tưởng như thế là tột đỉnh công phu, nào ngờ khi gần 85 tuổi, thầy lại dành hẳn hai năm trời lặn lội tự cỡi chiếc xe đạp điện đi từ Quy Nhơn về xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước để nhặt nhạnh những câu chuyện mà ông hay xuýt xoa rằng, mình làm nhanh chứ kẻo không mai này nó chìm sâu vào quên lãng thì không làm sao mà truy lại cho được. Đó là khi ông dồn tâm huyết thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng cổ thành Thị Nại.
Không chỉ đi đến tìm hiểu nhiều địa điểm cụ thể, ông còn lên kế hoạch trước, nhờ địa phương giới thiệu, gặp gỡ, trò chuyện, khai thác thông tin từ 92 người cao tuổi, nghệ nhân khắp 10 thôn của xã Phước Hòa. Thấy cụ già tốn rất nhiều thời gian và công sức, người dân địa phương rất thương. Họ cho nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân ở nhờ, lại còn quan tâm chăm sóc tận tình như người thân, còn chuẩn bị sẵn nước ấm cho ông tắm rửa, ngâm chân trước khi đi ngủ cho đỡ nhức mỏi sau một ngày ruổi rong khắp mọi chốn ở làng quê. Ông kể với tôi, đó là một trong những niềm hạnh phúc, đủ để tiếp thêm sức lực giúp tôi tiếp tục dấn bước trên chặng đường dài sưu tầm văn hóa dân gian.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân tại buổi tọa đàm chuyên đề giới thiệu công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông về “Văn hóa cảng thị Nước Mặn”.
Để lại rất nhiều cho đời sau
Tuổi tác không ngăn được tâm huyết của thầy Nhân. Chẳng những vậy thầy còn chọn nghiên cứu những đề tài khó, chưa ai thực hiện, buộc phải xới dỡ lên nhiều. Dù vậy với mong ước thắp sáng lại những giá trị đặc sắc của cha ông, thầy Nhân chưa bao giờ ngã lòng, có ý định dừng bước hoặc lấy làm tiếc về lựa chọn cuộc đời. Ngoài thời gian, công sức, ông từng thật thà bộc bạch, rất may là tôi có... lương hưu, con cái phương trưởng, nhu cầu chi dụng không nhiều, nên có thể tự chi trả cho nhiều khoản, đặc biệt là cho những cuộc điền dã vốn tốn kém và cần rất lắm thời gian.
Tất cả những hy sinh, cống hiến của cụ Nhân đã từng được ông gói gọn là chỉ “mong để lại chút ít gì đó cho đời sau, để con cháu sau này biết về vẻ đẹp của truyền thống văn hóa mà người xưa đã xây đắp qua hàng thiên niên kỷ”. Nay, khi ông ra đi, học trò, đồng nghiệp, những người đã từng gắn bó lâu năm với ông trong Chi hội Văn nghệ dân gian mới thống kê lại, cho thấy ông đã để lại cho đời rất nhiều, sau gần 50 năm gắn bó với công tác nghiên cứu, với thành quả: hơn 10 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian đã được xuất bản về nhiều đề tài đa dạng về thời Cảng thị nước Mặn, thời Tây Sơn, văn hóa cổ truyền nơi làng quê ở miền xuôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh...cùng một số bản thảo công trình tâm huyết cũng đã hoàn chỉnh. Thầy Nhân - Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã được trao tặng đến 6 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2 giải A và 2 giải B Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu (dành cho văn học nghệ thuật).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân trong chuyến điền dã ở xã đảo Nhơn Châu năm 2014 để thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian Cù Lao Xanh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân còn để lại cho các thế hệ học trò, đồng nghiệp, cộng sự và những người từng được quen biết ông nhiều nỗi tiếc thương sâu sắc, sự kính trọng về nhân cách, kiến văn sâu rộng không ngừng được bồi đắp cả đời, cùng lối sống giản dị, khiêm nhường. Riêng đối với người viết, sẽ không bao giờ phai mờ nhiều lần thường tìm đến nhà cụ Nhân vào buổi chiều tối để trò chuyện về những công trình nghiên cứu, trong căn nhà cấp 4 cũ kĩ nhưng trên bàn, trong tủ lúc nào cũng chất đầy sách, tài liệu, hình ảnh luôn được ông sắp xếp, bảo quản cẩn thận.
Tôi chỉ đáng tuổi cháu, nhưng thầy Nhân vẫn thường xưng hô là “mình với ông” khi trò chuyện, rồi dành hàng giờ tiếp chuyện hăng say về những tâm huyết nghiên cứu. Ông cũng chia sẻ với tôi về chuyện đối nhân xử thế, chuyện cần phải không ngừng phải bồi đắp kiến thức... Cách đây hai năm, ông còn có món quà khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là một lần đến nhà trò chuyện, ông hỏi tôi đã đọc cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” của tác giả Đinh Xuân Vịnh chưa, có nhiều thông tin rất hữu ích, trong đó có những địa danh ở Bình Định. Rồi ông nói sẽ photo một bản để tặng tôi. Tưởng thầy cao hứng nói thế thôi, nhưng bằng đi thời gian không gặp, một hôm đến cơ quan thì thấy một gói giấy đề tên Nguyễn Xuân Nhân gửi. Tôi mở ra thật bất ngờ, xúc động khi đó là bản phô tô cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” cùng lời đề “thân tặng” kèm chữ kí của thầy. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để mãi nhớ về thầy, thầy Nhân ơi!
Sau khi biết tin thầy giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân qua đời vào sáng 30.4, nhiều người đã nhanh chóng có những thông tin thông báo, bày tỏ sự kính trọng, tri ân ông trên facebook cá nhân. Xin lược đăng một số chia sẻ:
“Đến nhà thầy, hình ảnh thường gặp, là thầy cặm cụi đọc và hí hoáy viết, bên chiếc bàn con ở gian khách, với la liệt những trang bản thảo… Chục lần như một…Đã đi là đi điền dã; thăm thú bạn bè cùng lứa, hoặc thăm hỏi hội viên; còn ở nhà thì đọc và viết. Thầy là như vậy!. Thầy là chi hội trưởng chi hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định. Nhiều nhiệm kì thầy xin nghỉ, vì biết mình tuổi cao, sức yếu, nhưng mọi người vẫn không cho thôi, vì thầy vẫn còn làm tốt, và nhất là thầy cẩn thận, chu đáo, tận tình với công việc không ai bằng, lớp trẻ chúng tôi khó mà làm được như thế...”
Thạc sĩ Trần Xuân Toàn, giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn
“Vĩnh biệt ông, một người thầy, một nhà nghiên cứu giàu năng lượng, đam mê và cẩn trọng; một người bạn vong niên nhiệt tình, bao dung và thẳng thắn trong sinh hoạt. Vắng ông, mảng nghiên cứu VHDG Bình Định khuyết một chỗ lớn không bù lấp được.”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Mai Thìn
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân sinh năm 1932, tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Tú tài, xung phong gia nhập Vệ quốc quân, tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1955, ông chuyển ngành về dạy Toán ở tỉnh Thái Nguyên, sau đó được điều về làm Trưởng phòng chuyên môn của Ty Giáo dục Thái Nguyên, rồi đảm nhiệm Hiệu trưởng một trường học ở tỉnh này. Dù bận rộn công việc quản lý, ông vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đi học tại chức ngành Văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1966, Khu Giáo dục Việt Bắc điều thầy Nguyễn Xuân Nhân về làm chuyên viên chỉ đạo dạy môn Văn. Mấy năm sau, ông lại được Bộ Giáo dục luân chuyển về làm thư ký ở Phòng Tổng hợp, chuyên theo dõi mảng giáo dục miền núi. Năm 1978, thầy Nhân được điều về làm Chánh Văn phòng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khi đó mới được thành lập. Qua một thời gian tham gia giảng dạy môn văn học, năm 1987, ông được bầu làm Chủ nhiệm Khoa Văn cho đến năm 1991.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân là một trong ba hội viên đầu tiên của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội này từ khi được thành lập (năm 1996) cho đến ngày ông mất.
HOÀI THU
Được tin Nhà giáo, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân qua đời gây sốc và đau buồn cho anh em văn nghệ sĩ lớp thế hệ đàn em. Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh nhà mất mát lớn, khó bù đắp. Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính!