Phụ nữ “sống xanh”
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã xây dựng nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường, xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
Đường hoa ở tuyến đường 639B (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn).
DỌN RÁC VÀ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Từ 5 năm trước, bà Nguyễn Thị Cúc (79 tuổi, ở khu vực 7, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã tích cực thu gom, dọn, đốt số rác mà người dân vứt bừa bãi ở ven đê, ven đường. Bà kể: “Chẳng ai bảo, chẳng ai yêu cầu cả. Do tôi thấy dơ quá, hôi quá. Không gom, đốt đi, mùa nắng thì hôi, mùa mưa thì nhớp nháp, chưa kể lụt về đẩy dồn lên đập, lên ruộng... Thấy tôi làm “việc không công”, con tôi cằn nhằn. Nhưng, cũng có nhiều người quý tôi, có người dúi cho tôi vài chục ngàn đồng. Tôi chỉ lặng lẽ làm, không chê trách ai”.
Việc làm của bà Cúc đã truyền cảm hứng cho những cán bộ phụ nữ phường Nhơn Phú. Năm 2017, Hội LHPN phường Nhơn Phú thành lập Tổ phụ nữ bảo vệ môi trường tại khu vực 7. Sau lễ ra mắt, các thành viên tiến hành vận động người dân đăng ký tham gia dịch vụ thu gom rác thải. 3 đêm liền, các thành viên của Tổ chia nhau đến từng nhà dân, vận động đăng ký tham gia.
“Dù thuộc thành phố, nhưng khu vực 7 là vùng ngoại ô, người dân sống chủ yếu nghề nông nên không ít người có tư tưởng: đất rộng, rác cứ đổ đại ra bờ bãi, đê, sông... Khi biết là đăng ký tham gia dịch vụ thu gom rác thải phải đóng phí hàng tháng, một số hộ cũng chần chừ. Nhưng rồi, nhờ sự phân tích thấu tình đạt lý của các thành viên, trong đó có cô Cúc, mọi chuyện đã ổn. Đến nay, Tổ phụ nữ bảo vệ môi trường đã được thành lập ở 6/8 khu phố”, bà Trương Thị Thế Vương, Chủ tịch Hội LHPN phường Nhơn Phú, cho biết.
Có dịch vụ thu gom rác rồi, bà Cúc vẫn chưa nghỉ ngơi. Mỗi chiều rảnh rỗi, bà ra điểm tập kết rác gần nhà, dồn rác lại thành đống trước khi xe thu gom rác đến lấy. Bà bảo: Nhiều người đi vứt rác bằng xe máy, thường ném mạnh xuống điểm tập kết nên rác vương vãi, tung tóe nên bà dùng cào cỏ để gom lại cho gọn, cũng hỗ trợ nhân viên thu gom.
PHỦ XANH CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG
Phụ nữ yêu hoa. Có lẽ vì vậy mà việc huy động họ chung tay cho những tuyến đường xanh cây, rực rỡ sắc hoa cũng trở nên dễ dàng. Phát động hơn 1 năm trước, các tuyến đường chính của phường Nhơn Hòa, xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc (TX An Nhơn) nay đã đẹp, hút mắt người đi đường. Chị em tự hào bởi quê mình xanh hơn, đẹp hơn nhờ những chậu hoa giấy, hoa mười giờ, dây leo... Hơn hết, họ còn tự hào bởi chính tay mình vun trồng, chăm bón.
Đường hoa không chỉ có đồng bằng mà còn trải lên các tuyến đường xã miền núi. Đầu năm 2019, bà Đinh Thị Thâu (57 tuổi, ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) hào hứng khoe rằng: “Năm nay, hoa nở dọc lối đi của làng. Phụ nữ bắt đầu trồng hoa từ dịp Tết nên các giống hoa rất đa dạng. Có hoa vạn thọ, cúc sao nháy, cúc đá, hoa mười giờ, hoa sam nhiều màu; có hoa mai, hoa mặt trời vàng như nắng. Mình thấy làng mình đẹp thì mình phải ủng hộ, góp công tưới nước, nhổ cỏ”.
Không chỉ người lớn thích, trẻ con ở làng Tà Điệk cũng phấn khích không kém khi tan học là rủ nhau chạy, nhảy lò cò dọc đường hoa và cười tít mắt. Bà Nguyễn Nữ Mỹ Ngàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hảo, cho biết: “Việc xây dựng và phát triển mô hình “Đoạn đường hoa” do Chi hội Phụ nữ của làng Tà Điệk đảm nhiệm đã góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Những con đường hoa hình thành đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường”.
Khi đã có dịch vụ thu gom rác thải, bà Cúc vẫn tranh thủ thời gian để dồn, tập trung rác lại, giảm vương vãi tại điểm tập kết rác cho xe thu gom được thuận tiện hơn.
HẠN CHẾ CHẤT THẢI NHỰA
Vài năm trở lại đây, bà Trương Thị Tròn, 56 tuổi, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, có thói quen đi chợ bằng giỏ xách nhựa. Mua bó rau, cái bí... bà đặt ngay vào giỏ xách chứ không dùng đến túi nhựa của người bán. Bà bảo: “Tôi xem tivi, người ta nói bì nhựa phải mất hàng trăm năm mới phân hủy. Ở quê mình, mỗi lần lũ lụt, nước rút, bì nhựa lủng lẳng trên cành tre, ngọn cây, hàng rào vừa xấu xí, vừa ô nhiễm. Chuyện này cũng là đương nhiên khi cái túi nilon tiện quá. Nhưng, tôi hay nhắc mình bớt cái tiện lợi để hạn chế tác hại của bì nilon”.
Cho đến nay, Hội LHPN các cấp cũng đã hình thành nên các mô hình hạn chế rác thải nhựa. Hội LHPN phường Bình Định (TX An Nhơn) có tổ phụ nữ xách giỏ đi chợ. Tháng 3.2019, Hội LHPN phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) ra mắt mô hình “Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon” với hoạt động mở màn là tặng 50 giỏ xách nhựa cho 50 chị em.
Khi các phương tiện truyền thông nói nhiều hơn về tác hại của rác thải nhựa, những hình ảnh trực quan về các sinh vật biển mắc kẹt trong rác thải nhựa, chết vì ảnh hưởng của rác thải nhựa, các bà nội trợ chú tâm hơn đến việc góp phần hạn chế rác thải nhựa. Phụ nữ mang giỏ xách khi đi chợ; mang túi vải, túi sử dụng nhiều lần khi đi siêu thị. Họ mang bình nước ở nhà đi để hạn chế sử dụng chai nhựa, ly nhựa. Họ từ từ loại bỏ thói quen cũ, hình thành thói quen mới, chấp nhận ánh nhìn khác lạ từ những người xung quanh để hướng đến những điều tốt đẹp hơn cho Trái Đất, cho không gian sống của mình và thế hệ tương lai.
AN KHANG