Ước vọng nghĩa hiệp từ những trang sách
Tôi quay trở lại ngôi nhà nhỏ ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Hôm ấy là một ngày đặc biệt với chàng trai xương thủy tinh Lê Anh Xuân (16 tuổi). Trên chiếc giường quen thuộc, Xuân nằm đợi quyển sách thứ hai vừa xuất bản về với mình.
Năm 2017, quyển sách đầu tay của Xuân “Biệt đội AHHV 1” xuất bản. Rất nhanh sau đó, cậu thiếu niên hoàn tất phần thứ hai của “Biệt đội AHHV 2”. Nhưng phải mất hơn 1 năm, quyển sách mới chính thức được xuất bản.
Xuân ký tặng sách cho bạn đọc.
THẾ GIỚI CỦA NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Cả hai cuốn sách “Biệt đội AHHV” đều kể về những cuộc phiêu lưu, đấu tranh của các biệt đội anh hùng trước cái xấu, cái ác. Đó cũng là ước vọng của tác giả Lê Anh Xuân - một cậu bé khiếm khuyết, rằng: Cái tốt, chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng và vẫn có những người anh hùng thầm lặng đang ngày đêm chiến đấu, thực thi công bằng và chính nghĩa để bảo vệ những điều tốt đẹp.
Với 2 cuốn sách, cậu bé chưa một lần được đi học được thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo. Mỗi nhân vật trong thế giới ấy đều có một đặc điểm riêng về ngoại hình, biệt tài, tính cách. Các tình huống truy đuổi căng thẳng, thỉnh thoảng đan xen với những phân đoạn, chi tiết hài hước đủ sức làm các độc giả nhí bật cười trong lúc hồi hộp lật từng trang sách. Một số hiện tượng, vấn đề mới hoặc nổi cộm như: livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội), nạn chăn dắt người ăn xin... cũng được tác giả khéo léo lồng ghép, tạo cảm giác gần gũi và gửi gắm các thông điệp.
Đọc hết phần một, độc giả nhí Trương Võ Khang Nguyên, 10 tuổi, ở TP Quy Nhơn, kể: “Con rất thích truyện trinh thám, phá án. Câu chuyện phiêu lưu của “Biệt đội AHHV” rất hấp dẫn nên con xin mẹ mua liền phần hai khi sách viết xong. Lần này, con rất vui khi các nhân vật của biệt đội tiếp tục bảo toàn lực lượng, tiêu diệt được kẻ xấu”.
TRUYỀN CẢM HỨNG
Nếu “Biệt đội AHHV” kể về câu chuyện đấu trí, đấu lực cân não giữa hai phe tốt - xấu, truyền cảm hứng về tinh thần xả thân vì những điều tốt đẹp thì bản thân Lê Anh Xuân truyền cảm hứng về một câu chuyện khác - câu chuyện của ước mơ.
Từ lúc Xuân chào đời với những vết xương gãy tăng dần theo thời gian, bố mẹ Xuân chẳng bao giờ tưởng tượng được có ngày có quyển sách được viết ra bởi chính con mình. Cho đến ngày chồng vở, sổ do chính tay Xuân khởi thảo cao dần lên; họ cũng chẳng dám nghĩ chúng sẽ được một nhà xuất bản nào đó chấp nhận, biến chúng thành sách. Vậy mà, tất cả những điều họ không dám nghĩ đều trở thành hiện thực.
Lật giở từng trang sách, đọc chúng qua đôi kính lão, ông Lê Đức Suyền (51 tuổi), cha Xuân cười tủm tỉm. Mẹ Xuân, bà Lê Thị Mỹ (48 tuổi) thủ thỉ: “Hồi nhỏ, tôi chỉ học đến lớp 6. Với Xuân, tôi chỉ mong cháu luôn vui tươi, khỏe mạnh. Những điều Xuân vừa làm được vượt quá mong đợi, làm chúng tôi rất tự hào”.
Chọn mua “Biệt đội AHHV 2” cho con gái đang học lớp 8, chị Nguyễn Thị Kiều Thu (40 tuổi, công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: “Tôi biết sách từ sự giới thiệu của một người bạn, thấy phù hợp với độ tuổi của con nên mua về cho con đọc. Sau đó, có dịp tìm hiểu hơn về tác giả, tôi liền kể cho con nghe. Không chỉ muốn cháu giữ gìn thói quen đọc sách, tôi còn mong cháu suy ngẫm về câu chuyện của Xuân để tin vào những điều tốt đẹp, biết cố gắng hơn”.
Tôi còn nhớ GS Michio Umegaki (Trường ĐH Keio, Nhật Bản), người khởi xướng Dự án Lớp học Ước mơ tại huyện Phù Cát mà Xuân là một thành viên từng nói: “Xin đừng nhìn vào những khiếm khuyết của các em mà hãy tập trung vào những gì mà các em có thể làm được. Điều này sẽ giúp mỗi người nhìn thấy những điều đáng quý, đáng tự hào trong chính những em nhỏ khuyết tật. Câu chuyện của Xuân, những điều Xuân làm được không chỉ là niềm tự hào của riêng Xuân và gia đình, mà còn là niềm tự hào của cả Dự án Lớp học Ước mơ”.
NGUYỄN MUỘI