Paul Christiansen & những câu thơ viết cho Quy Nhơn
Đầu năm 2019, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế 2019. Trên trang thơ đại biểu Á, Phi, Âu, Mỹ tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế (do các dịch giả Trần Quang Quý, Đào Kim Hoa, Hải Yến, Nguyễn Phan Quế Mai và Lã Thanh Tùng dịch từ bản tiếng Anh), tôi đặc biệt chú ý đến bài thơ “Gửi người thơ Hàn Mặc Tử” của một nhà thơ Hoa Kỳ - Paul Christiansen.
* * *
Paul Christiansen tự hỏi: “Người có biết họ đặt tên mình cho một con phố? Lần theo dấu triền biển xương sống như ngón tay vuốt dọc bờ quai xanh”. Và trong không gian trữ tình đó, anh vừa bước đi dọc sóng vừa dần chìm vào không gian thơ Hàn Mặc Tử: “Tôi rong ruổi ven bờ đêm nay, đắm đuối dưới miền sao người từng ngắm và thảo những vần thơ điên”. Và đến ý tưởng tiếp theo đây thì anh đã thực sự đồng cảm, sâu xa và vút cao: “Tôi cố tìm các phiên bản Anh ngữ, nhưng họ bảo rằng thơ người khước từ mọi biên dịch theo cách mặt trăng không thể bị hất khỏi đại dương”. Sự đồng điệu ấy đánh tan mọi cách bức về dân tộc và ngôn từ, về địa lý và lịch sử, về thế kỷ và thế hệ, chỉ còn lại trái tim và những niềm thơ thăng hoa ngui ngút! Anh lý giải thêm: “Như thể điều tuyệt diệu nhất nằm giữa lời và không đến từ những cảm kích ngôn ngữ”.
Bãi tắm Hoàng Hậu và di tích Mộ Hàn Mặc Tử.
Trong cảm nhận chất ngất vạn trùng giữa hai thế giới, một tâm hồn thơ Việt và tâm hồn thơ Mỹ, một người đã hít thở trăng sao từ đầu thế kỷ XX và một người đang thống cảm trên bờ biển thế kỷ XXI: “Hình như những vần thơ kia được viết trong cơn bệnh hoạn của bỉ cực và cô độc, phóng tả tình yêu tuyệt vọng, nỗi buồn cuồng dại”. “Ngoài đây cũng đêm đơn côi ấy cô lập người, chia biệt tôi bởi người thương, dày vò tôi bằng cơn đau yếu”. Những ý nghĩ và cảm xúc thăng hoa dâng trào trong hồn thơ Paul Christiansen, bắt gặp mức độ nào đó, tương tự như sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành phương Đông: “Tôi nghĩ mình có thể thấu cảm những âm từ của người nếu nghe chúng lúc này, dịch chúng theo cách bầu trời dịch những tinh cầu giận dữ khí đốt cháy những dặm xa thành những ngọn nến xâu trên chuỗi sóng như ánh sáng trong một vũ trường trắng”.
Không gian Ghềnh Ráng Tiên Sa với di tích Mộ Hàn Mặc Tử, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Bồng Tiên luôn thu hút, đặc biệt khôn nguôi gây nguồn cảm hứng cho nhiều du khách, các thi nhân. Trong một tự bạch, Paul Christiansen cho biết: “Vòng xoáy của các quan niệm mới mẻ, các quan sát, thị hiếu, ngôn ngữ và phong tục khơi dậy trí tưởng tượng. Nhiều bài thơ mà tôi đã viết gần đây được hình thành từ các cuộc tiếp xúc của giác quan và trí tuệ này”.
Tôi cũng đọc một bài thơ khác của anh, “Ban mai ở Quy Nhơn”. Chỉ quan sát một xưởng nước đá ở đường Trần Hưng Đạo, anh có cách nhìn và mô tả thật ấn tượng về những công nhân thành phố biển đang miệt mài lao động: “Trước khi bầu trời đập vỡ mặt trời vào vách đá cạnh biển/ ánh sáng lòng đỏ trứng tràn khắp dải xi-măng và đất vương vãi vỏ sò của thành phố”... “Mặt trời ấy không cho phép những dòng sông băng hờ hững đặt đôi môi lên thái dương xích đạo nóng ran của trái đất”.
Paul Christiansen tâm sự rằng: “Những tác phẩm đó không chỉ có thể giúp chia sẻ những ấn tượng của tôi với những người sống ở bên ngoài Việt Nam, mà đôi khi góc nhìn của một người nước ngoài lại khám phá ra những khía cạnh văn hóa không nổi bật hoặc đáng chú ý đối với người trong nước. Thí dụ, một xưởng sản xuất nước đá bên con đường tấp nập có lẽ chẳng khiến cho một người bản địa nhìn đến lần thứ hai, nhưng sự mới lạ của nó khiến tôi kinh ngạc và tôi bị thôi thúc viết về nó để sắp xếp những ý nghĩ của mình tốt hơn. Khi tôi chia sẻ bài thơ ấy với người địa phương, bài thơ có thể giúp họ nhìn xưởng nước đá đó bằng cái nhìn mới mẻ...”.
Từ Diễn đàn văn học Việt Mỹ “Nhìn lại và phát triển”, như nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày, là sự kiện giao lưu quan trọng, hết sức ấn tượng không chỉ của nhà văn là cựu chiến binh trong chiến tranh, mà còn là diễn đàn để nhà văn trẻ tiếp bước lịch sử. Cuộc đối thoại mới giữa hai quốc gia khác nhau về ý thức hệ, văn hóa, ngôn ngữ mà phải rất khó khăn vất vả mới tổ chức được vì phải vượt qua rất nhiều giới hạn không gian, thời gian, nhận thức và cả định kiến. Tuy nhiên, với nỗ lực của hai bên, mấy chục năm qua đã thiết lập được cây cầu về tinh thần và tình hữu nghị, thu hẹp khoảng cách giữa nhân dân hai nước, đặc biệt các nhà văn trẻ sẽ làm được nhiều việc tốt hơn dựa trên nền tảng mà thế hệ đi trước đã gây dựng. Tất nhiên, đó là ngôn ngữ của khái luận, của hữu nghị, của hội trường. Trong mọi diễn đàn văn chương, cái cần nhất trước, trong và sau đó là tiếng thủ thỉ của con tim trên từng trang văn chương, ánh ỏi trong tác phẩm của mỗi cá thể sáng tạo, và gây xúc động với người đọc, ở đây lại là người đọc của hai phương trời Việt Mỹ. Paul Christiansen là một trong những minh chứng như vậy.
Được biết, nhà thơ Paul Christiansen từng nhận được hai giải thưởng thơ từ Viện Thi ca Mỹ. Năm 2015 - 2016, anh từng đến Quy Nhơn làm việc theo học bổng Fulbright, có thể nói anh là nhà thơ đã gắn bó máu thịt với tình yêu Việt Nam. Vừa qua, trong Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ Quốc tế, anh có bài tự bạch “Văn chương mở đường cho tôi đến Việt Nam” trên báo Thời Nay: “Không ai trở thành một nhà văn vì sự quyết định thận trọng về mặt tài chính, mà vì sự thôi thúc bẩm sinh và niềm tin rằng nghệ thuật làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. Không gì chứng minh hiệu quả phát biểu ấy của anh bằng những bài thơ hay, sâu sắc của chính anh, ở đây là về chủ đề đất và người Việt Nam hôm nay. Chỉ qua hai bài thơ thuần thi liệu Quy Nhơn nói trên cũng đã là sự minh chứng không phải là mong manh, trên con đường khúc xạ ánh cầu vồng thơ ca từ cơn mưa đã tạnh, hai bán cầu dần dà ngày càng xích lại.
NGUYỄN THANH MỪNG
Ban mai ở Quy Nhơn
Trước khi bầu trời đập vỡ mặt trời vào vách đá cạnh biển
ánh sáng lòng đỏ trứng tràn khắp dải xi-măng và đất vương vãi vỏ sò của thành phố
Những công nhân xưởng nước đá đường Trần Hưng Ðạo đã thức giấc, miệt mài làm việc
Ðiếu thuốc của họ rực lên trong bóng tối như đầu huỳnh quang của những con cá kiếm
Chẳng mặc gì ngoài quần đùi vải và ủng cao su lên tới đầu gối
Họ xịt nước máy từ đầu vòi rỉ sét vào những hộp kim loại dài ba thước
rồi nhấc mặt sàn lên, đẩy hộp xuống hầm bê-tông sâu hun hút
nơi một hệ thống chằng chịt, giấu kín của dây nhợ, đường ống
biến nước âm ấm thành tảng lạnh pha lê
Họ nằm nghỉ dưới những cánh quạt đang quanh đi quẩn lại như con hổ bị cầm tù
Chỉ đứng dậy để khai quật những tảng nước đá bằng thanh sắt
Rồi xếp chồng những khối nước đang bốc hơi như ngọn núi lửa đang thức giấc
Ðẩy chúng trượt xuống thanh gỗ nghiêng vào thùng xe tải giao hàng
Không phải loại nước đá sạch dùng cho quán rượu hay quán ăn
Những tảng nước này sẽ được chặt ra, băm nhỏ
mảnh vỡ của chúng xây tổ cho tôm, cá, mực, và lươn ngoài chợ
đổ xuống hộp xốp đựng dừa của những người bán dạo dọc bãi biển có khách tham quan
Khi đó những người công nhân xưởng nước đá đường Trần Hưng Ðạo bước ra đường
Họ trở về nhà, những ngón tay đông cứng được mặt trời đánh thức
Ðó là mặt trời man rợ của hàng triệu năm trước
Mặt trời của những sinh vật biển cổ xưa hóa đá, vượn người
Mặt trời ấy không cho phép những dòng sông băng hờ hững đặt đôi môi
lên thái dương xích đạo nóng ran của trái đất
PAUL CHRISTIANSEN