Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…
Ðó là một câu trong bài ca vọng cổ Võ Ðông Sơ - Bạch Thu Hà (tân cổ giao duyên) của soạn giả Viễn Châu, từ những năm 60 của thế kỷ trước đã gây thổn thức khá nhiều cho khán - thính giả. Nhưng ít người biết rằng, nếu lội vào ruột câu hát sẽ biết thêm nhiều chi tiết thú vị.
“Giọt máu chung tình” là một trong những tuồng cải lương nổi tiếng trước năm 1975.
Trước đó khá lâu, hai nhân vật trong bài ca, Võ tướng công và Bạch mỹ nhân thực ra đã có mặt trong tâm thức của người mộ điệu cải lương từ vở diễn mang tên “Giọt máu chung tình” của Nguyễn Tri Khương và gánh Đồng Nữ Ban ở Tiền Giang diễn từ năm 1927. Một năm sau - 1928 - vở diễn “Giọt máu chung tình” của soạn giả Mộc Quán soạn cho gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử và nghệ sĩ Phùng Há, thêm lần nữa khắc họa vang dội hai nhân vật Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà trong công chúng.
Khởi nguồn cảm hứng của hai vở diễn trên là tiểu thuyết dã sử (3 quyển/28 hồi) “Giọt máu chung tình” của nhà văn Tân Dân Tử (tức Nguyễn Hữu Ngỡi), do Nhà in Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn xuất bản (bìa ngoài ghi năm xuất bản 1926, bìa trong ghi 1925). Ở lời tựa của sách, nhà văn Tân Dân Tử cho rằng trong lịch sử văn nghệ xứ ta từ trước, chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của bậc anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên thuần Việt nhằm bia truyền cho dân chúng, nhìn chung thường hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra văn Nôm. Để tránh việc chỉ biết xưng tụng cái oai phong ngoại bang mà làm lu mờ tinh thần của người bản quốc, nên ông viết tiểu thuyết lịch sử bằng nhân vật và bối cảnh nước nhà. “Giọt máu chung tình” sau đó được tác giả chuyển thể thành tuồng cải lương, Nhà in Phạm Văn Thình, Sài Gòn, 1930 xuất bản.
Tinh thần của tiểu thuyết tiếp nối qua kịch bản sân khấu, lột tả bằng nhân vật Võ Đông Sơ trong lời tự giới thiệu với Bạch Thu Hà: “Khai Quốc công tước làm hậu quân/ Tên Võ Tánh vốn thiệt chung đường/ Tước công chúa hiệu là Ngọc Du/ Ấy là mẫu thân/ Trên song đường vui cảnh hạc đã xa dời/ Tên tiểu tử ấy tên là Đông Sơ/ Theo thúc thân nương ngụ…”. Như vậy trong tiểu thuyết dã sử này, nhân vật Võ Đông Sơ là con trai của Chưởng Hậu quân Võ Tánh và bà Nguyễn Phúc Ngọc Du - Phúc Lộc Trưởng công chúa của Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế Nguyễn Phúc Luân.
Tác giả tại Đền thờ Võ Tánh ở 19 Hồ Văn Huê, TP Hồ Chí Minh.
Sau khi cha tuẫn tiết, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định, ngày đêm văn ôn võ luyện. Võ Đông Sơ ra kinh ứng thí trong cuộc triều đình mở khoa thi chọn tướng tài dẹp giặc Tàu Ô ở Biển Đông, vùng phương Bắc. Dịp này, Võ Đông Sơ và Triệu Dõng kết bạn. Dù gặp phải sự ghen ghét đố kỵ của công tử độc ác Bạch Xuân Phương, con trai của Bạch Công - Tổng trấn Tây Thành (Hà Nội), oái oăm thay, Bạch Thu Hà, em gái Bạch Xuân Phương đã được Võ Đông Sơ giải cứu khỏi tay bọn cướp trên đường đảnh lễ và hai người thề non hẹn biển trăm năm.
Lúc Võ Đông Sơ đăng khoa với vai trò Đô úy, thì ở nhà Bạch Thu Hà bị ép gả cho tên vô lại Trần Xuân, bạn của Bạch Xuân Phương. Tình cảnh ấy buộc nàng bỏ nhà ra đi tìm người yêu là Võ Đông Sơ đang cầm quân đi dẹp giặc Tàu Ô. Thân gái dặm trường, bị chủ sơn trại Nhứt Lang bắt được và ép làm vợ, Bạch Thu Hà lại may mắn được hai anh em Triệu Dõng - Triệu Nương cứu thoát. Nguyện vọng gặp Võ Đông Sơ vừa thành hiện thực không lâu thì vua ban chiếu cho chàng lên Lạng Sơn dẹp giặc quấy nhiễu bờ cõi. Trong cơn binh lửa, Võ Đông Sơ chẳng may bị trúng tên. Trong lúc hấp hối, miệng chàng luôn gọi tên người tình chung, mà sau này soạn giả Viễn Châu vọng cổ hóa thành bài ca nức nở: Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn/ Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…”.
“Giọt máu chung tình” là một trong những tiểu thuyết đáng chú ý của văn học quốc ngữ giai đoạn đầu ở Nam Kỳ và những tác phẩm sân khấu phái sinh của nó có ảnh hưởng tương đối sâu rộng trong công chúng. Dù là hư cấu, nhưng nhân vật đã bước vào đời sống. Ở Bình Định, trong khu vực di tích thành Hoàng Đế nay còn lưu dấu miếu Song Trung và ngôi mộ Võ Tánh. Đại Nam thực lục chính biên đã ghi chép tỉ mỉ về chung cuộc của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu và nghi lễ triều đình dành cho họ.
Miếu Song Trung ở khu vực thành Hoàng Đế (An Nhơn, Bình Định).
Sự kiện bị quân Tây Sơn vây hãm ở thành Bình Định là sự kiện bi tráng. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phụng mệnh giữ thành từ cuối năm 1799, bị Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Võ Văn Dũng vây ngặt, quân nhà Nguyễn nhiều lần giải cứu bất thành. Năm 1801, thành Bình Định bị vây lâu hết lương, phải giết cả voi ngựa để ăn. Đến nước cùng, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc mà chết. Sau khi tổ chức khâm liệm, tống táng Ngô Tùng Châu xong, Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu: “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại!”, rồi ông phóng lửa, tự sát. Sử cũ chép: “Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy, chảy nước mắt, lấy lễ mà chôn cất. Tướng sĩ trong thành, không giết hại ai cả”.
* * *
Nhân Ngày hội Người Bình Định lần thứ VI - 2019 do Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh tổ chức với slogan “Khỏe, Giỏi, Giàu, Nhân ái”, tôi có đi thăm một số di tích. Về Hoài Quốc Công Võ Tánh, ngoài miếu thờ và mộ ở khu vực thành Hoàng Đế Bình Định và miếu thờ ở Gò Công, còn có miếu thờ và mộ gió ở hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Những chứng tích trên có thể tìm hiểu qua lịch sử và truyền thuyết dân gian.
Cuộc tuẫn tiết của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã gieo một niềm cảm khái cho ngay cả tướng quân nhà Tây Sơn, chứ không phải chỉ ở lực lượng phong kiến nhà Nguyễn. Và những nhà văn đương thời cũng như hậu thế đã có nhiều tác phẩm về đề tài này, gây xúc động và ảnh hưởng mạnh mẽ sâu rộng, như bài Văn tế siêu quần về Võ Tánh và Ngô Tùng Châu của Lễ bộ Thượng thư Đặng Đức Siêu (1750 -1810, Thượng thư bộ Lễ đầu tiên của nhà Nguyễn, quê ở thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) là một ví dụ.
Đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, từ nhu cầu bức thiết của chính đời sống qua âm hưởng của phong trào Duy Tân, các cuộc đấu tranh chính trị sôi động yêu nước chống ngoại xâm đã có tác động đến những người cầm bút, họ cảm thấy cần phải nói lên những khát vọng của cả một dân tộc, khát vọng muốn tìm lại “hồn nước” một thời được cất lên từ các sĩ phu, xuất hiện trường hợp Tân Dân Tử (1875 - 1955) và những nhà văn cùng thời với ông như Trương Duy Toản (1885 - 1957), Lê Hoằng Mưu (1879 - 1942), Nguyễn Chánh Sắt (1869 - 1947), Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958), Phú Đức (1901 - 1970), Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965), Đinh Gia Thuyết (1893 - 1953)… đã viết được nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử đặc sắc. Trong đó, tiểu thuyết dã sử “Giọt máu chung tình” của Tân Dân Tử đã nhiều lần tái bản và hai nhân vật Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà như đã đi cùng năm tháng.
Sợi dây dã sử đã vẽ bản đồ hoạt động của nhân vật chính là Võ Đông Sơ, từ Gò Công của đất phương Nam đến ải Nam Quan phương Bắc, từ kinh kỳ cho tới Biển Đông… Ở đó, có căn nguyên là nắm tro nghĩa khí của một người cha giữa thành Bình Định và những ngày hàn vi trui rèn hùng tâm tráng chí ở miền đất võ để lên đường trả nợ non sông.
NGUYỄN THẦN DƯƠNG