Chiếc nón lá
Mẹ tôi là nông dân, làm ruộng là chính và có nghề phụ - làm nón. Mẹ bảo quê ngoại có nghề làm nón, các dì đều được ngoại chỉ dạy nghề tới nơi tới chốn. Nhưng duy có mẹ còn giữ nghề chứ các dì thì không.
Để làm ra những chiếc nón, không như những người làm nón chuyên nghiệp, mẹ vất vả hơn, đã vậy bây giờ ít người đội nón nên tiêu thụ rất chậm. Nhưng mẹ không bận tâm dù thu không đủ bù công nhưng mẹ bảo thấy ai đó đội chiếc nón tự tay mình làm sẽ cảm thấy rất vui. Niềm vui của mẹ sao mà khổ quá. Tôi than thở vậy mỗi khi xong mùa, thời gian chờ vụ lúa mới mẹ sẽ bắt tay chằm nón.
Nhà tôi gần núi nhưng muốn làm nón phải vào tận vùng núi xa, nơi có thứ lá dùng để chằm nón. Lá hái về phơi khô rồi ủi thật phẳng, thật bóng. Làm phẳng lá xong, mẹ sẽ dùng kéo cắt chéo đầu trên rồi lấy kim xâu lại, chừng 24- 25 chiếc lá cho một lượt sau đó rải đều chúng lên khuôn nón. Khuôn nón hình chóp nhọn, nó là cái khung được làm từ các nan tre uốn thành hình vòng cung từ thấp lên cao theo hình chóp. Trên khuôn đã đặt sẵn sườn nón là những thanh tre nhỏ, chuốt đều, nhẵn. Khi lá đã yên vị trên sườn mẹ sẽ dùng dây cột chặt lá nón với khung nón rồi dùng cước để khâu chúng lại. Công đoạn này phải khéo, phải khâu cho đều tay để chiếc nón thanh nhã, sắc sảo, nếu để chỗ dày chỗ thưa nón sẽ vụng, mất đẹp.
Sau khi nón đã thành hình, ở nan thứ 3 và 4 sẽ dùng chỉ đôi kết đối xứng để làm quai. Trước khi giao cho khách thì quét nhẹ một lớp dầu bóng bên ngoài để tăng tính thẩm mỹ và độ bền cho nón.
Mẹ thích tự tay mình làm ra một chiếc nón. Mẹ bảo, dù từ nhỏ đã được nghe: “Thức khuya dậy sớm cho hư/ Mà nghề đan nón chẳng dư đồng nào” nhưng mẹ vẫn thích công việc này. Sau này khi đã lớn khôn, tôi hiểu khi được ngồi làm nón, là lúc mẹ chạy về với ký ức xưa cũ, nơi mẹ có thể xoãi cả chân cả tay, duỗi vào lòng ngoại, là lúc mẹ tận hưởng cảm giác đang làm người thừa tự gia sản của bà ngoại. Mẹ thủ thỉ, mẹ biết nghề này nhọc công mà chẳng có thu nhập nên mẹ có bắt các con phải sống bằng nghề chằm nón đâu. Nhưng khi tự tay mình làm ra một chiếc nón, thì cái được không phải chỉ là chiếc nón mà còn là những kỹ năng trải dọc đường học nghề.
Mẹ kể, ngày xưa, ngày mẹ về nhà chồng, ngoại âu yếm, bịn rịn đặt vào tay chiếc nón và dặn dò công, dung, ngôn, hạnh. Những lời gan ruột kia được đặt trong chiếc nón như biểu tượng của đức hy sinh, sự chịu thương chịu khó. Nón như một thứ ngôn ngữ riêng dùng để diễn đạt tâm tư của người phụ nữ. Còn nữa, hình ảnh người thiếu nữ giấu mặt sau vành nón lá cười duyên, hình ảnh khách quốc tế ngắm nghía và trầm trồ chiếc nón quê hương, điệu múa nón thật đẹp … Mọi thứ đều đáng tự hào.
Tôi, đến giờ vẫn chưa biết chằm nón và cũng không định học nghề này. Nhưng tôi thương những chiếc nón mẹ tôi làm và tôi thương cả dáng nón giản dị. Nhẹ tênh những đường kim mũi chỉ nhưng đầy đặn ân tình. Mỗi chiếc nón, mỗi đường kim mũi chỉ là những yêu thương đong đầy mà người phụ nữ lặng lẽ kết vào. Cuộc sống văn minh có đổi thay đến đâu thì nón lá vẫn sẽ mang trong nó vẻ đẹp giản dị và duyên dáng.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN