Ẩm thực xứ Nẫu trong nỗi nhớ đằm sâu
Có ai đó đã viết rằng: “Những món ăn mang hương vị nỗi nhớ/ Nhấm nháp một phần ký ức quê hương". Với tôi cũng vậy. Mỗi khi đi đâu xa, tôi cũng thường “thăm hỏi” ẩm thực xứ Nẫu nơi xứ ấy. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, người Bình Ðịnh xa quê đã có rất nhiều cách để quảng bá món ăn xứ Nẫu khiến tôi không cần phải có một cố gắng nào...
Bà Trần Thị Lệ Xuân (bên trái) đang phục vụ khách các món ăn xứ Nẫu tại Ngày hội Người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3.2019.
Xa quê Tây Sơn vô TP Hồ Chí Minh đến nay hơn 20 năm, bà Trần Thị Lệ Xuân (60 tuổi, đang sống tại quận Gò Vấp) chia sẻ rằng những món ăn mang hương vị đặc trưng ở quê nhà đã “ăn sâu vào trong hơi thở”. Điểm đặc biệt là bà Xuân không mở quán bán các món ăn chính gốc Bình Định, mà chỉ làm tại nhà theo đơn đặt hàng. Bạn muốn thưởng thức dé bò, tré, chả cá, chả bò hay chả ram tôm đất, bánh hỏi, bánh ướt, bánh cuốn kiểu Tây Sơn, bánh canh chả cá... theo hương vị “Bà Nậu”, chỉ cần chốt đơn hàng là ngồi chờ thưởng thức. Hàng sẽ được giao đến địa chỉ như yêu cầu.
Người này thưởng thức các món của “Bà Nậu” thấy ngon nên giới thiệu người khác. Khách hàng dần mở rộng là người quê ở nhiều vùng, miền trong nước. Những ngày đắt hàng, bà Xuân phải dậy từ sớm, gửi xong một số món ăn Bình Định cho khách ở xa như tận Cần Thơ, Cà Mau rồi lại tất bật chế biến và giao các món khách ở nhiều nơi khác đặt hàng. Những khi nhận nấu đám tiệc, bà Xuân chủ động giới thiệu, khuyến khích khách đặt các món ăn Bình Định, với giá rất phải chăng để khách lựa chọn.
“Đi nấu tiệc cũng có những chuyện vui, tự hào về món ăn Bình Định. Có lần một khách hàng quen thuộc đã giới thiệu cho sếp là người Bắc đồng ý đặt nấu 8 bàn tiệc liên hoan công ty. Tôi phục vụ các món dé bò, nem, cháo bò... chế biến theo đúng kiểu ngoài quê mình. Khách ăn rất hài lòng, ông sếp còn thưởng thêm và cho cả tiền taxi để tôi về nhà. Khi ấy tôi mặc đồ nấu ăn nhưng đáp ứng sự hâm mộ của thực khách với âm điệu Bình Định, tôi cũng hào hứng hát tặng mọi người tới… 1 bài”, bà Xuân vui vẻ kể.
Nhân viên “Bánh cuốn Tây Sơn” đang phục vụ khách.
Sống ở TP Hồ Chí Minh được 22 năm, nhận thấy nhiều người Bình Định thỉnh thoảng vẫn chép miệng nhớ miếng bánh xèo vỏ, bánh đúc đúng hương vị quê nhà, 6 năm trước, chị Lê Thị Bình (40 tuổi, quê gốc ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) quyết định đi học để mở quán tại nhà (20 Nguyễn Xuân Khoát, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) bán các món quê. “Chế biến bánh xèo vỏ, bánh đúc ở TP Hồ Chí Minh thì tôi vẫn chọn đúng nguyên liệu, cách thức như bà con Hoài Nhơn quê tôi hay làm. Đến mắm nêm để chấm cũng phải đúng chất mặn mà “nghe mùi là biết” từ ngoài đó đem vào. Không chỉ khách Bình Định mà dần dần nhiều người dân nơi khác cũng ủng hộ vì thấy lạ miệng...”, chị Bình tâm sự.
Thuộc thế hệ 9X đời đầu, xa quê hương chưa lâu, nhưng anh Nguyễn Đình Chính (quê xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cũng khởi nghiệp bằng ký ức sâu đậm về món bánh cuốn Tây Sơn. Tâm huyết trong việc kinh doanh món ăn quê hương và từng thất bại, nhưng chàng trai đất võ vẫn kiên trì với niềm tin và mong muốn quảng bá ẩm thực Tây Sơn - Bình Định. Đến nay, anh Chính đã có 2 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh (ở địa chỉ 132 Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp và 44 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình) phục vụ thực khách món chủ lực bánh cuốn Tây Sơn và những đặc sản Bình Định khác.
Anh Chính đẩy mạnh quảng bá hiệu quả qua website www.banhcuontayson.com và trang facebook https://www.facebook.com/pg/banhcuontaysonbinhdinh (hiện có gần 8.800 lượt người theo dõi). Ở phần giới thiệu về mình trên website, anh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Sơn, ăn món ăn Tây Sơn, uống nguồn nước Tây Sơn, nên khi vào thành phố, tôi nhớ món bánh kinh khủng, sao mà nhớ đến thế chứ… Nhiều đêm nằm ngủ mơ đến nó, thèm đến chảy nước miếng...”. Đó là lý do thôi thúc chàng trai xứ Nẫu quyết tâm gầy dựng thương hiệu “Bánh cuốn Tây Sơn” để “giúp mọi người vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà nơi đất khách quê người, giúp các bạn trên mọi miền đất nước được thưởng thức món ăn này...”.
Tại Ngày hội Người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh những năm qua, gánh hàng của chị Lê Thị Bình luôn thu hút những người con đất võ xa quê.
Thử ngó lại ẩm thực Bình Định, hình như giản dị đến mức tưởng chừng không còn đường nét nữa. Nó hiền lành, mộc mạc mà nếu đem so với ẩm thực xứ Bắc, xứ Huế chẳng hạn, có lẽ khó lòng nói đến nét tinh tế hay hương sắc ý vị. Nó lua lúa, quê mùa lắm nhưng khi tôi trò chuyện với đôi chút phân bua thì bất ngờ làm sao, từ già chí trẻ cùng ố rô lên cười: “Úy trời, thằng em! Dân trong đây lại ham thích cái kiểu mộc mạc, ngồ ngộ của mấy anh chị ngay thiệt Bình Định cù mì. Chết người luôn đó nghen!”. Tôi nghe mà muốn giữ mọi người lại gây thêm một cuộc vui nữa.
Trong hành trang ly hương, ký ức về các món ăn dân dã nhưng quyến rũ kiểu xứ Nẫu vẫn âm ỉ trong nỗi nhớ của nhiều người. Cách đơn giản để thỏa nỗi nhớ quê là thưởng thức món ăn khoái khẩu, gắn với thời thơ ấu lại càng thích.
MAI THƯ