Hậu trường FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn
FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) được xây dựng trên diện tích hơn 129 ha, hiện bảo tồn 44 loài với hàng ngàn cá thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm. Ðồng thời đã tiếp nhận chăm sóc hàng chục loài động vật được lực lượng kiểm lâm chuyển giao.
Khu vườn bướm vừa khai trương ngày 11.4.2019.
CHĂM SÓC KHU “THÚ CƯNG”
Điểm đầu tiên khách được hướng dẫn bước vào tham quan FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn đó là khu Kid Zoo, nuôi dưỡng các loài dê lùn, ngựa lùn, thỏ, cừu, lạc đà không bướu... được các nhân viên ở đây gọi là khu “thú cưng” vì chúng có thể tiếp xúc thân thiện với con người như kiểu vật nuôi ở trong nhà. Như ở khu chuồng dê lùn, khi thấy người đến thì các chú dê lại thò một phần đầu ra ngoài để được vuốt ve, cho ăn.
Bộ phận chăm sóc động vật của FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn gồm 22 nhân viên được chia thành các tổ gắn với từng khu riêng, một số người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y, sinh học, bảo tồn động vật hoang dã. Công việc hằng ngày của nhân viên chăm sóc trước hết là đi một vòng quanh các chuồng xem thử tình trạng của thú, có con nào biểu hiện đau bệnh thì báo ngay cho nhân viên thú y. Nhằm đảm bảo vệ sinh, các nhân viên đều dọn dẹp chuồng, máng đựng thức ăn mỗi ngày hai lần.
Nhân viên Đặng Văn Hải đang cho dê ăn.
Tôi hỏi nhân viên Đặng Văn Hải, khách tham quan đứng gần chuồng dê lúc nào cũng thấy hôi, nhưng mình ngày nào cũng phải vô làm vệ sinh thì có… ẹ không? Anh Hải cười phá lên: “Phần lớn ai cũng tưởng chuồng dê hôi là do chưa dọn vệ sinh hoặc dọn chưa kỹ, kỳ thực mùi hôi này do các con dê đực tiết ra để quyến rũ dê cái... Tiếp xúc với thú hằng ngày, dần dần mình có tình cảm nên càng chăm sóc chúng tận tình hơn. Mỗi khi tôi xách bao đựng thức ăn vào chuồng và nói “lên nào các con” là chúng tự lẽo đẽo nối đuôi theo sau để đến ăn chung trong máng...”.
Từ sự dạn dĩ của động vật nuôi trong khu này, định hướng của những người quản lý thời gian tới sẽ không chia thành từng nơi nuôi riêng nữa, mà thả các loài thú đi tự do trong khu vực khá rộng lớn nhiều cây xanh của khu để tăng thêm sự “tương tác” với khách tham quan.
NUÔI DƯỠNG CHÚA SƠN LÂM
FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn hiện đang nuôi 6 con hổ Đông Dương (khoảng 2 tuổi rưỡi), mỗi con nặng tầm từ 2 - 2,5 tạ, với nhiều cái tên Tây có ta có nghe “rất hiền hòa” như: Nhái, Sen, Su, Misa, Misu. Trong đó, có 4 hổ đực và 2 hổ cái nhưng thường không hiện diện “đủ quân số” tại khu vực sân chơi ngoài trời. Điều này được chuyên viên chăm sóc thú Trần Thị Thể, cử nhân sư phạm sinh học Trường ĐH Quy Nhơn, lý giải: “Hai hổ cái mà thả ra cùng lúc thì sẽ xảy ra đánh nhau tranh giành bạn tình. Trong 4 hổ đực có một con “phong độ” nhất nên đều được hai nàng “muốn yêu”... vì vậy thường phải luân phiên thả một trong hai hổ cái ra làm bạn với hổ đực”.
Mỗi “chúa tể sơn lâm” được cho ăn mỗi ngày 5 kg thịt nạc mông trâu hoặc 3,5 kg thịt gà phần đùi (đã lóc bỏ xương), chứ không cho ăn thịt heo vì có nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe của loài thú này. Cũng ăn khẩu phần giống y như hổ là đôi sư tử trắng (khoảng 3 tuổi, có trọng lượng 3 tạ) có nguồn gốc từ châu Phi ở khu chuồng bên cạnh. Tuy nhiên, cả hổ, sư tử đều phải “chịu thua” khẩu phần ăn của con voi châu Á nặng hàng tấn đang được nuôi, mỗi ngày xơi hết 200 kg cỏ và “ăn nhẹ” thêm rất nhiều bí đỏ, bắp, cà rốt, khoai lang...
Khu nuôi nhốt các loại động vật trên được thiết kế, xây dựng rất kỹ để đảm bảo an toàn. Ngoài khu vực chuồng nhốt riêng với hệ thống cửa chắc chắn, thì còn có khu ngoài trời tạo tiểu cảnh cây xanh, hồ, đồi cát được tính toán khoảng cách an toàn, đồng thời tạo sự cách li đối với khách tham quan bằng hệ thống kính cường lực rất chắc chắn và hàng rào điện. Nhân viên chăm sóc Nguyễn Hữu Mùi chia sẻ: “Hằng ngày nhân viên có hệ thống cửa riêng vào khu sân chơi ngoài trời hoặc trong chuồng để dọn vệ sinh, tắm cho hổ, sư tử khi chúng đã đi ra khu vực được cách li với mình. Khi mới làm việc, bước vào các khu này thì cũng run bắn cả người... nhưng sau quen dần với chúng. Có con hổ khi thấy mình cầm vòi nước xịt là nó đến đưa... mông ra tắm trước một cách thích thú. Đứng quan sát thấy các “anh chị” ra ngoài sân chơi mà có vẻ buồn buồn... thì mình lại tìm cách chọc vui, như cắt khúc ống nước nhựa ném vô là chúng tranh nhau đùa giỡn liền”.
THÊM BƯỚM Ở GẦN CHIM
Một trong những điểm tham quan được du khách ưa thích là khu vườn chim hoang dã với nhiều loài rất đẹp mắt như công Ấn Độ, công xanh Đông Dương, trĩ vàng, trĩ đỏ Nhật, trĩ đỏ khoang cổ, giang sen, hồng hoàng, cò trắng, cò quắm đen, gà lôi trắng, gà lôi vằn... rất dạn dĩ. Nhiều người thú vị khi thấy cảnh nhân viên nâng niu, xoa đầu chim và thủ thỉ trò chuyện như với “con nhỏ”. Nhân viên đi kiểm tra trong vườn, có những con chim lại lẽo đẽo đi sát theo sau. “Hằng ngày tùy từng loại mà chúng tôi phân chia khu vực cho ăn khác nhau. Đối với các loài chim, gà thì thường được ăn đậu xanh, lúa mầm, cám, trái cây... còn cò thì chỉ ăn món ưa thích là cá, tôm, dế”, nhân viên Nguyễn Chánh Kiệt cho biết.
Bắt đầu từ ngày 14.3, nhiều đoàn du khách và cả hướng dẫn viên đã tò mò và nghi ngờ liệu có “nói đùa” khi được nhân viên giới thiệu có vườn bướm mới ngay gần vườn chim. Để rồi họ ngạc nhiên, thú vị khi bước vào vườn bướm có diện tích gần 1.500 m2, giai đoạn ban đầu có hàng ngàn cá thể bướm phấn vàng chanh, bướm hổ, bướm báo hoa vàng, bướm đêm... Khách rất ấn tượng khi lần đầu được thấy nhiều kén bướm, trứng bướm, cặp bướm đang giao phối... Anh Lê Thanh Liêm, trước đây chỉ chăm sóc các loài động vật to lớn ở khu Safari, nay được phân công quản lý vườn bướm. “Bạn bè hay trêu đùa tôi giờ đã là “vua bướm”. Để chăm sóc tốt khu này thì đòi hỏi mình càng phải chịu khó, khéo tay, tỉ mỉ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, tiểu cảnh để tạo môi trường sống tốt cho loài bướm...”, anh Liêm bộc bạch.
“Các động vật ở FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn được tạo môi trường sống gần gũi với thiên nhiên, chế độ ăn uống một cách khoa học, đảm bảo dinh dưỡng nên qua theo dõi đều có sức khỏe tốt, tăng cân, đến nay chưa có con nào mắc bệnh gì nặng. Thỉnh thoảng thường chỉ có các trường hợp bị tiêu chảy ở loài dê, chim. Trong đó cho chim uống thuốc vất vả hơn, vì nhiều loài rất nhanh nhẹn, bay trên cao nên để bắt được chúng thì nhân viên chăm sóc phải gần gũi tạo sự quen thuộc hằng ngày...”
Chuyên viên chăm sóc LÊ XUÂN NGHIÊM, tốt nghiệp chuyên ngành thú y Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh
MAI THƯ