Khởi sắc Bok Tới
Nhờ cú hích từ các Chương trình 135, 134…, với nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân địa phương, cuộc sống của người dân Bok Tới, huyện Hoài Ân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Xã Bok Tới hiện có 5 làng gồm T1, T2, T4, T5, T6 với 409 hộ gia đình/1.675 nhân khẩu, chủ yếu là người Bana. Trước đây, Bok Tới là một trong những xã nghèo của huyện Hoài Ân, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng người dân không biết áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, nên năng suất cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế đạt được rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi còn nhiều hạn chế, giao thông cách trở…
Từ năm 2005 đến nay, nhờ được hưởng lợi từ các Chương trình 135, 134, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển lâm nghiệp có hiệu quả, cuộc sống của người dân Bok Tới được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 9 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với năm 2005. Nếu trước năm 2005, 100% hộ gia đình ở xã Bok Tới đều là hộ nghèo thì đến nay tỉ lệ hộ nghèo còn 40% và ngày càng giảm dần.
Ông Đinh Văn Líp, Phó Chủ tịch UBND xã Bok Tới, cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, 95% hộ xây dựng nhà ở kiên cố. Đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa nên việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Hệ thống trường học được xây dựng khang trang hơn với 2 điểm trường tiểu học, 5 trường mẫu giáo, số lượng học sinh hơn 250 em. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được thuận lợi từ khi trạm y tế xã được xây dựng”.
Hiện tổng diện tích gieo sạ 2 vụ/năm ở Bok Tới là 250 ha, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha/vụ, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân. Chính quyền địa phương còn vận động người dân phát triển chăn nuôi với tổng số lượng đàn trâu bò 1.150 con. Bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Đặc biệt, do địa hình rừng núi nên xã Bok Tới phát triển mạnh cây lâm nghiệp, hiện trên địa bàn xã có khoảng 6.000 ha rừng nguyên liệu giấy và 2.093 ha rừng tự nhiên được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ. Nhờ trồng rừng, một số hộ gia đình có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, như anh Đinh Văn Khiêm, Đinh Văn Nhan (ở thôn T2), anh Đinh Xuân Nghĩa (ở thôn T1…
Ông Đinh Văn Líp cho biết thêm: “Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng so với mặt bằng chung, thu nhập bình quân của người dân xã Bok Tới vẫn còn thấp, việc tiếp cận KHKT vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, xã Bok Tới sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, tiềm lực kinh tế của địa phương để đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân”.
PHÚC LỘC