“Bệnh viện” và “nhà thương”
“Bệnh viện” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “bệnh” đã được Việt hóa và dùng độc lập như trong chữa bệnh, bệnh nặng,... Còn “viện” thuộc bộ phụ, ban đầu có nghĩa “chái nhà, sân có tường bao quanh”, rồi chuyển nghĩa chỉ “cơ quan” như trong học viện, Viện Toán học,... “Bệnh viện” là “cơ sở khám bệnh và nhận người ốm đau nằm điều trị”.
Tương đương với “bệnh viện”, trước đây có từ “nhà thương” được sử dụng khá phổ biến (hiện nay một số người lớn tuổi vẫn còn dùng). Từ điển tiếng Việt ghi nhận “nhà thương” là một từ cũ có nghĩa là “bệnh viện” (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, 1992, tr.695).
“Nhà thương” được cấu tạo theo ngữ pháp tiếng Việt (yếu tố chính đứng trước) nhưng cùng phương thức với “bệnh viện”. Trong đó, “nhà” tương tự như “viện”, nghĩa gốc là “công trình có mái, có tường vách dùng để ở”, về sau phái sinh nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “cơ quan” như trong nhà ga, nhà đèn (từ cũ), nhà hát,... Còn “thương” là một từ Việt gốc Hán, nghĩa gốc là “vết thương”, rồi được dùng khái quát với nghĩa “thương tật”. “Nhà thương” là “nơi khám, chữa cho người bị thương tật, bệnh hoạn”.
Nhiều người cho rằng, “nhà thương” ngoài nghĩa “bệnh viện”, còn là “nơi của tình thương” vì “thương” (1) trong từ này đồng âm với “thương” (2) trong “yêu thương”. Thật ra, “thương” (2) và “thương” (1) vốn là một (chứ không phải là hai từ đồng âm). Quan hệ ngữ nghĩa của chúng như sau: thương (1): vết thương à đau đớn (thể xác) à đau đớn (tinh thần) à thương (2). Vì vậy, “thương” (2) thường đi với “đau”, “xót”, nên mới có xót thương, thương xót, đau thương... đều mang nghĩa gốc chỉ nỗi đau thể xác. Hán Việt tự điển ghi nhận “thương” có nghĩa “vết đau”, lại mang nghĩa “thương, như thương cảm” (Thiều Chửu, Nxb Thanh Niên, 2011, tr.40)
Dĩ nhiên, nghĩa của “nhà thương” là “bệnh viện”. Còn nét nghĩa “nơi [khám, chữa bệnh] của tình thương”, không chỉ được gợi từ nghĩa của chữ “thương”, mà chủ yếu là từ cách ứng xử giữa các nhân viên bệnh viện với bệnh nhân và người nhà của họ.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ