Tây Sơn hỗ trợ hiệu quả phong trào lao động sáng tạo
Ở tỉnh ta, huyện Tây Sơn là một trong những điểm sáng về hoạt động hỗ trợ, triển khai nhân rộng các sáng kiến, giải pháp có tác dụng thực tế.
Từ sự tham mưu của Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) huyện, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch hoạt động và dự toán phân bổ kinh phí cho các hoạt động của Hội đồng. Năm 2018, trong tổng số 216 triệu đồng được phân bổ, Hội đồng đã dành 183,1 triệu đồng để chi hỗ trợ, phân bổ trực tiếp cho các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực. Mức hỗ trợ được Hội đồng cân nhắc xem xét phù hợp dựa theo ý tưởng, khả năng ứng dụng, điều kiện của cá nhân, đơn vị thực hiện. Theo thống kê, có 10 đề tài thuộc nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, giáo dục, y tế, quản lý Nhà nước, nông nghiệp đã được hỗ trợ.
Chiếc máy tách hạt bắp của anh Lê Văn Thành đã giúp bà con trồng bắp ở xã Vĩnh An tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Điển hình về hiệu quả của hoạt động hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp là đề tài Cải tiến máy tách hạt bắp của anh Lê Văn Thành (thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường). Mong muốn giải quyết nhu cầu của bà con xã Vĩnh An trong mùa thu hoạch bắp, anh Thành nghĩ ra một chiếc máy tách hạt bắp, vận hành bằng động cơ máy nổ, có thể di chuyển lên các vùng đồi núi nơi không có điện. Chiếc máy của anh Thành sau cải tiến tách được cả bắp còn ướt nên gặp lúc mưa gió, bà con không sợ bắp bị hư.
Anh Thành kể: “Lúc đầu, máy hoạt động chưa được như tôi mong muốn, chủ yếu do tôi không có đủ tiền để mua sắm trọn vẹn các thiết bị để lắp ráp. Khi được Hội đồng KH&CN huyện phối hợp với Hội Nông dân xã hỗ trợ 15 triệu đồng, tôi mua thêm một số thứ, hoàn thiện chiếc máy và nó đã hoạt động khá hoàn hảo. Một số người khi chứng kiến máy làm việc đạt hiệu quả cao đã thảo luận để đặt hàng, hiện tôi đã bán được vài chiếc với giá 15 triệu đồng/máy”.
Ông Đinh An, Trưởng làng Giọt 2 (xã Vĩnh An), người đã mua một cái máy của anh Thành cho biết: Không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của gia đình, với chiếc máy này, tôi còn nhận làm thuê cho các hộ dân khác. Trước đây, cả làng phải hùn tiền thuê một cái máy to về tách. Giờ có cái máy của anh Thành, có bao nhiêu bắp thì đến làm bấy nhiêu, không phải chờ gom cho đủ nhiều”.
Một vài sáng kiến, ứng dụng khác ở lĩnh vực y tế, giáo dục khi được hỗ trợ và phổ biến rộng rãi cũng đạt hiệu quả tốt. Ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn cho biết, 3 sáng kiến trong năm qua của ngành đã được hỗ trợ tổng cộng 15 triệu đồng. Qua thực tế phổ biến, nhân rộng cho thấy, các sáng kiến đã giúp nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng KH&CN huyện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KH&CN cũng như triển khai các ý tưởng, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tế được tiến hành linh hoạt, dựa vào điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ông Mỹ trao đổi: “Chủ yếu là lồng ghép vào các cuộc họp, các buổi hội thảo và phối hợp với đài truyền thanh - truyền hình huyện, đài truyền thanh các xã tuyên truyền, phổ biến. Huyện công bố các sáng kiến, giải pháp trên nhiều kênh và khuyến khích, động viên những ai có nhu cầu tìm đến tác giả đề tài để học hỏi, tìm hiểu vận dụng phù hợp với thực tế của mình hoặc mua sản phẩm. Trong năm 2018, huyện đã phối hợp các địa phương tổ chức 40 lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với khoảng 2.000 lượt người tham gia”.
Đánh giá cao nỗ lực của huyện Tây Sơn, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, chính sự quan tâm sát sao của lãnh đạo huyện Tây Sơn cùng tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của Hội đồng KH&CN huyện thông qua những hình thức phù hợp đã giúp khích lệ sự sáng tạo của các tác giả thuộc nhiều đối tượng - từ nhà nông sáng tạo đến bác sĩ, giáo viên... Kinh phí dành cho hoạt động KH&CN của các địa phương trong tỉnh còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải nên không phải địa phương nào cũng làm được như Tây Sơn. Ngay cả việc phổ biến rộng rãi các ý tưởng, sáng kiến đã được thực tế công nhận hiệu quả, đôi khi cũng gặp vướng mắc vì một số khó khăn riêng. Dù vậy, với cách làm “liệu cơm gắp mắm”, huyện Tây Sơn tạo chuyển biến trong công tác này”.
NGỌC NGA