Ghi nhận qua đợt giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri của HÐND tỉnh:
Kiến nghị nhiều, giải quyết được bao nhiêu?
Từ ngày 22.10 đến 12.11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh năm 2012 tại 7 địa phương trong tỉnh. Ghi nhận ban đầu của PV Báo Bình Định tại 3 địa phương (TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Vân Canh) mà đoàn giám sát vừa làm việc cho thấy, các kiến nghị về tài nguyên, môi trường vốn được người dân rất quan tâm vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
Nhiều kiến nghị chưa được giải quyết triệt để
Theo ghi nhận của PV Báo Bình Định, kiến nghị về xử lý nạn ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên chưa hợp lý là một trong những vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều nhất tại các địa phương trên. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn những kiến nghị này vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
Tại TP Quy Nhơn, dù cử tri kiến nghị nhiều lần tình trạng các công ty: Tân Miền Trung, Hoàng Việt, Phước Hòa, Đại Hùng (phường Bùi Thị Xuân) thường xuyên đổ bột đá bừa bãi ra khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho các hộ dân nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng trả lời và chỉ đạo hướng xử lý dứt điểm. Hiện dư luận cũng đang hết sức bức xúc trước nạn khai thác đá tại núi Hòn Chà gây ô nhiễm môi trường, sa bồi thủy phá đất đai, đồng ruộng tại đồng Lò Rèn, đồng Xoài.
Ông Ngô Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết thêm, mặc dù Bộ TN-MT chỉ cấp phép cho một doanh nghiệp (DN) khai thác đá tại khu vực núi Hòn Chà và UBND tỉnh cũng đã có văn bản cấm khai thác ở phía Đông của núi, tuy nhiên, một số DN lại được phép mở rộng mặt bằng về phía Tây của KCN Phú Tài (nghĩa là phía Đông của núi Hòn Chà) nên thực tế lệnh cấm kia không có tác dụng. Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát, ý kiến: “Tôi cho rằng, DN đang mượn danh nghĩa mở rộng mặt bằng để khai thác đá trái phép, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Dân bức xúc cũng là chuyện dễ hiểu…”.
Một số khu vực nguyên là đất chăn thả gia súc của bà con, sau đó được giao cho các lâm trường, DN. Nay, người dân xin lại đất này để canh tác thì bảo rằng đất đó là của lâm trường, DN. Người dân vì không có đất phải phá rừng làm rẫy. Nếu không giải quyết hài hòa lợi ích của dân và của Nhà nước thì rất dễ nảy sinh vấn đề
Ông ĐINH VĂN THÃI, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh
Tương tự, tại thị xã An Nhơn, kiến nghị về ô nhiễm môi trường cũng không được giải quyết triệt để. Sau khi cử tri kiến nghị với HĐND tỉnh các trường hợp nhà máy, DN sản xuất, khai thác gây ô nhiễm môi trường, năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở TN-MT, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định. Nhưng, cho đến nay tình trạng này không những chưa được khắc phục mà vẫn còn tiếp diễn.
Còn ở huyện Vân Canh, ông Đinh Văn Thãi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nêu thực trạng dân địa phương cần đất sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế nhưng yêu cầu chính đáng này vẫn chưa được giải quyết. Ông bức xúc: “Một số khu vực nguyên là đất chăn thả gia súc của bà con, sau đó được giao cho các lâm trường, DN. Nay, người dân xin lại đất này để canh tác thì bảo rằng đất đó là của lâm trường, DN. Người dân vì không có đất phải phá rừng làm rẫy. Nếu không giải quyết hài hòa lợi ích của dân và của Nhà nước thì rất dễ nảy sinh vấn đề”.
Trong những kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri huyện Vân Canh đã kiến nghị UBND tỉnh can thiệp, thu hồi một số diện tích đất trồng rừng của Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn (100% vốn đầu tư nước ngoài), Công ty PISICO, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn… để giao cho dân các xã Canh Hòa, Canh Liên sản xuất. Đến thời điểm này, việc giải quyết kiến nghị mới dừng lại ở việc báo cáo, xem xét và... tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Địa phương cần tích cực hơn
Tình trạng các công ty: Tân Miền Trung, Hoàng Việt, Phước Hòa, Đại Hùng (phường Bùi Thị Xuân) thường xuyên đổ bột đá bừa bãi ra khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho các hộ dân nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh và cơ quan chức năng trả lời và chỉ đạo hướng xử lý dứt điểm
Theo nhận định chung của lãnh đạo các địa phương trên, nhiều nội dung kiến nghị của cử tri là các vấn đề lớn, có tính thường xuyên và lâu dài, lại liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên cần nhiều thời gian để phối hợp giải quyết. Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam ý kiến thêm: “Có những việc UBND tỉnh giao cho chúng tôi giải quyết, nhưng nói thực với tầm của địa phương thì không thể. Như vụ bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng vì bột đá, tiền bồi thường cho các hộ dân trên 1 tỉ đồng, UBND tỉnh chỉ đạo lấy tiền xử phạt các DN gây ô nhiễm để bồi thường cho các hộ. Tiền phạt chỉ độ 2 triệu đồng thì làm sao bồi thường được…”.
Theo ông Võ Vinh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, để giải quyết triệt để các kiến nghị của cử tri, chính quyền địa phương phải tích cực kiểm tra, rà soát xem các nội dung được giải quyết đến đâu, có vướng mắc gì để báo cáo với UBND tỉnh xem xét, tiếp tục có hướng xử lý; đồng thời phải thấy được trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề mà dân bức xúc. “Tuy nhiên, tôi thấy rằng, chính quyền địa phương chưa tập trung vào giải quyết các kiến nghị của cử tri. Có những việc UBND tỉnh và sở, ngành đã hứa, giao về cho chính quyền địa phương tiếp tục triển khai để trình lên cho tỉnh xem xét, quyết định, thì địa phương cũng chưa làm…”, ông Quang nói tại buổi làm việc với UBND huyện Vân Canh.
THU HÀ