Chuyện những người vớt xác trên sông
Tìm xác những người bị đuối nước là công việc nguy hiểm, đầy ám ảnh. Nhưng vẫn có những người lặng lẽ tìm kiếm những thân xác trong dòng nước bạc như một cách chia sẻ với gia đình người bị nạn.
Gia đình anh Trịnh Văn Cường.
Cũng một chữ “duyên”
Về đội 10, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, hỏi thăm nhà anh Trịnh Văn Cường, chúng tôi nhận được những cái nhìn ái ngại, lo lắng của người dân xung quanh, bởi từ lâu tên của người đàn ông 37 tuổi này đã gắn liền với những vụ đuối nước, không tìm ra xác. Nhà anh Cường nằm lẻ loi bên một nhánh sông Côn, ở cuối con đường đất nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo. Vợ chồng anh chuyển ra nơi này định cư đã 9 năm, và cái nghiệp vớt xác người chết đuối vận vào anh từ thời điểm ấy.
Cách đây 7 năm, anh Cường tình cờ phát hiện 3 xác người liên tiếp trong một tuần. Đó là xác em bé 5 tuổi và 2 người thanh niên 25-30 tuổi. Nhìn thấy những thi thể giữa dòng nước, anh thật sự sợ hãi, nhưng sau đó đã tri hô bà con phụ vớt, đưa lên bờ, phối hợp với chính quyền địa phương chôn cất.
“Đó thật sự là một cú sốc, cách có mấy ngày mà tôi phải tiếp xúc liên tục với các xác chết lâu ngày. Cảm giác nhớt nhợt, lạnh toát, đặc biệt là mùi xác người khiến tôi ớn lạnh. Sau đó, tôi quyết định rời quê đi làm xa mấy tháng để nguôi ngoai. Vậy mà vừa quay về lại gặp tiếp xác một người đuối nước trong lúc đi rà cá...” - anh Cường tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Gái Nên, 33 tuổi - vợ anh Cường, nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi cứ lo chồng bị ảnh hưởng bởi bệnh tật do tiếp xúc với xác chết lâu ngày. Gia cảnh còn nhiều khó khăn, ảnh mà vướng bệnh vào người, mình tôi sao lo nổi cho các con. Không những thế, cứ ra chợ là nghe người ta bàn tán rằng chồng mình vớt xác chết trôi thì sẽ phải thế mạng. Tôi đem chuyện đó ra kể, ảnh nói mình làm việc nghĩa thì không ngại những chuyện ấy!”.
Ông Huỳnh Bốn (bên trái) và ông Nguyễn Văn Thanh đang ôn lại những lần tìm kiếm xác chết.
Hai năm sau, một gia đình ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn nhờ anh tìm giúp xác con gái 16 tuổi bất cẩn ngã khỏi cầu Trường Thi. Với anh, đây là cuộc tìm kiếm gian nan nhất. 4-5 ngày liền, anh giong sõng chạy theo dòng chảy từ cầu Trường Thi mà chẳng tìm thấy xác. “Tự nhiên, đến gần bụi tre đó, mũi sõng bị quẹt vào bụi tre, đang loay hoay thì tôi nhìn thấy một vật gì giông giống gót chân người giữa vô vàn rác và lá. Quan sát kỹ hơn thì đúng là xác một bé gái. Dìu vội con bé ra khỏi luồng rác, tắm rửa nhẹ, lấy hết rác, rồi tôi đưa bé lên bờ và báo với người nhà”, anh Cường kể.
Vớt 6 xác chết trong vòng 7 năm là con số không nhỏ đối với người đàn ông chưa tròn 40 tuổi này.
Nghề gian nan
Bên cạnh những người có “nghiệp” gặp xác người đuối nước như anh Cường, còn có những người chuyên lặn tìm xác người. Ở TP Quy Nhơn, hiện có vài ba tốp thợ chuyên lặn tìm xác người chết, mỗi tốp 7-10 người, đa số là dân chuyên lặn biển với thâm niên 20-30 năm.
“Người chết trên bờ nhìn đã ớn, người chết dưới nước toàn thân trắng bệch, dập dờ, chân tay thường co quắp, mắt mở trừng trừng, không dạn thì không dám đến gần”, đám lặn trẻ tuổi le lưỡi lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến những xác chết dưới nước. Nhưng cũng có những người “cứng vía” như các thợ lặn “siêu đẳng” Đỗ Thành Ẩn, Đoàn Thế Châu ở khu Bắc Hà Thanh (TP Quy Nhơn). Nhóm lặn tìm xác người chết của hai anh có 9 người, nhưng chủ yếu anh Ẩn và anh Châu xuống nước.
Anh Ẩn kể: “Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để cắm mốc. Mỗi lần lặn hai người, khoanh vùng gần nhất để lùng sục. Khi lùng nhão hết khu vực mà không tìm ra thì hai thợ lặn chia nhau ra mở rộng phạm vi tìm kiếm. Thông thường, tôi lặn 2-3 tiếng đồng hồ, bắt đầu thấy thấm mệt và lạnh thì lên bờ để tốp khác xuống tiếp tục công việc”.
Việc đưa xác người chết lên bờ cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là khả năng xử lý tình huống để không bị “mang theo”. Theo một số thợ lặn nhiều kinh nghiệm, không phải cứ chụp đại là kéo ngay lên được. Phải dựng xác thẳng đứng, ôm ngang hông, nắm một tay choàng qua vai, tay kia vịn vai còn lại rồi mới kéo lên. Đưa xác lên bờ, dân lặn cởi quần áo xác, tắm rửa bằng xà phòng, lau lại bằng rượu, chải đầu tóc, thay đồ khô rồi lấy mền chiếu đắp lên.
Anh Ẩn tâm sự: “Cứ nghĩ như họ đang ngủ. Lần tôi đưa xác một thợ máy bị rớt vào hầm dầu, xác kẹt trong hầm nhỏ, ngồi khum, tay chân co quắp, duỗi kiểu gì cũng không thẳng. Hầm nhỏ, nồng nặc hơi dầu, ống hơi của tôi lại kẹt vào chân xác, đợt đó tôi tưởng bị chết ngộp rồi. Cuối cùng cũng đẩy được xác ra ngoài. Không ít xác bị thối rữa, bốc mùi. Gặp trường hợp này, dân lặn chọn cách thở bằng miệng để không ngửi nhiều mùi”.
Các tốp thợ lặn ở Quy Nhơn thỉnh thoảng được người dân ở Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum nhờ tìm người gặp nạn. Đến vùng nước lạ, dân lặn thường đo độ nông sâu, xem chỗ nước hầm chão, nước xoáy rồi nhắm mình có đủ hơi lặn xuống đáy không. Lắm khi đuối sức, đói và lạnh, nhưng nhiều gia đình quá đau buồn cứ nài nỉ, nên họ cũng cố gắng tiếp tục.
Ngoài ra, ở những vùng quê nằm cạnh đầm hồ, sông suối cũng có những con người biết lặn nhận tìm xác người. Như ở xóm Lò Vôi (thuộc thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), hễ nghe tin có người trong vùng bị đuối nước, những người giỏi bơi lội, dạn dĩ và nhiệt tình lập tức có mặt. Ông Huỳnh Bốn, một thợ lặn cao tuổi ở Lò Vôi, lý giải: “Sống cạnh sông Hà Thanh, trẻ con sinh ra đã biết bơi. Người bơi giỏi vì thế mà không hiếm. Từ xưa, những thanh niên dạn dĩ, nhiệt tình sẵn sàng gọi nhau ứng cứu hoặc lùng xác người đuối nước. Đến nay, truyền thống này vẫn duy trì”.
Thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước nổi tiếng với việc tìm xác chết bằng cách câu kiều. Trưởng thôn Bình Thái Huỳnh Thanh Dũng cho biết: “Bình Thái là đất của câu kiều, người dân dùng câu kiều để đánh bắt xa bờ. Đó là hệ thống lưỡi dày sắc nhọn được nối với nhau bằng dây giăng, chạm nhẹ vào dây là hệ thống lưỡi tự động đánh nhau loạn xạ và móc vào bất kỳ vật gì gần đó. Khoảng 20 năm trở lại đây, người ta dùng câu kiều để tìm xác”. Hơn 10 năm qua, ông Lê Anh Lâm đã nhiều lần dùng câu kiều vớt xác thành công. Vụ chìm xuồng ở thôn Quảng Vân mới đây làm 3 mẹ con chết đuối, ông Lâm đã dùng câu kiều vớt được cả ba.
Không đủ sức khỏe để lặn, nhưng ông Bốn vẫn không vắng mặt mỗi khi có người chết đuối. Bằng kinh nghiệm dày dạn, ông dự đoán hướng nước để hướng dẫn, hỗ trợ thế hệ sau như ông Nguyễn Văn Duyên (58 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thanh (48 tuổi). Nước sông mùa lũ thường đục ngầu. Người lặn tìm xác phải dùng tay thay mắt để tìm kiếm. Không dễ dàng gì, nhưng cứ người này, người kia hỗ trợ thay phiên nhau, cho đến khi tìm thấy.
Thay cho lời kết
Theo những người vớt xác chuyên nghiệp, dù nỗ lực tìm kiếm đến đâu thì xác suất thành công của việc lặn tìm xác chỉ khoảng 50%. Những lần không tìm được xác, tốp thợ lặn ra về mà lòng nặng trĩu. Cũng có khi thấy gia cảnh người nhà khó khăn, thợ lặn còn lấy tiền công phúng điếu lại.
Đến giờ, người đàn ông có “nghiệp” với xác trôi sông vẫn canh cánh với nấm mồ của một người đàn ông 40 tuổi chưa có thân nhân đến nhận. Thỉnh thoảng, có dịp đi ngang qua nấm mộ lặng lẽ nằm ở một góc gò gần nhà, anh thường ghé thắp nhang. Trong số thân nhân những người đã vớt xác giúp, gia đình anh Cường vẫn còn giữ mối quan hệ với gia đình bà Hồ Thị Đức. Bà Đức kể: “Nghe bà con kể lại, Cường dùng tấm bạt duy nhất che ngôi nhà vách cót của mình để đưa xác con tôi lên bờ. Thương cái tình đó, gia đình luôn giữ liên lạc và hỗ trợ gia đình Cường. Chúng tôi gọi nhau là mẹ con. Ngày giỗ của hai con trai năm nào cũng mời Cường”.
NGỌC TÚ - NGUYỄN MUỘI