Dự án Sinh kế nông thôn bền vững:
Triển khai nhiều biện pháp phát triển sản xuất rau an toàn
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý (BQL) Dự án Sinh kế nông thôn bền vững (DA SKNTBV) tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp duy trì và phát triển diện tích rau an toàn (RAT) ở một số địa phương trong tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc DA SKNTBV, quanh vấn đề này.
Nông dân ở làng rau Thuận Nghĩa thu hoạch rau an toàn.
* Xin ông cho biết kết quả của việc thực hiện hợp phần RAT được chứng nhận tại tỉnh ta?
- Hợp phần RAT được chứng nhận thuộc DA SKNTBV do Cơ quan phát triển quốc tế New Zealand (NZAID) tài trợ, đã được triển khai tại làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong - Tây Sơn) và thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp - Tuy Phước). Từ năm 2010 đến năm 2012, tại 2 địa phương nói trên đã thành lập 6 nhóm nông dân cùng sở thích (NDCST) sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 130 nông hộ thực hiện trên diện tích 10 ha. NZAID cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 nhà sơ chế với năng lực 1.000 kg rau/nhà/ngày.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình đầu tư, sản xuất và sơ chế RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm RAT của nông dân đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, BQL DA SKNTBV cũng đã hỗ trợ các HTX và nhóm NDCST xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối nhiều điểm tiêu thụ RAT trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm.
Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, các nhóm NDCST đã sản xuất và tiêu thụ được 146 tấn RAT tại các địa phương trong tỉnh Bình Định và một số tỉnh lân cận (CoopMart Gia Lai, CoopMart Phú Yên). Thị trường tiêu thụ RAT do dự án tài trợ ngày càng được mở rộng. Thực tế cho thấy, sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP đã tăng nguồn thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, lượng RAT được sản xuất, đưa vào sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác tại các cơ sở sơ chế đã được xây dựng còn ít; đầu ra sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất RAT vẫn chưa được như mong đợi.
* Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, đối với các nhóm NDCST sản xuất RAT, một số thành viên trong nhóm vẫn còn thụ động trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật vào thực tế, số lượng và chủng loại RAT vẫn chưa đa dạng về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành và cách làm của Ban quản trị các HTX cùng với việc thu mua rau của nông dân để đưa vào sơ chế, hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế, nên hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, sự kết nối giữa người sản xuất và các điểm thu mua sản phẩm chưa bền vững. Qua các cuộc hội thảo chuyên đề và hội nghị khách hàng về lợi ích của việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm RAT theo tiêu chuẩn VietGAP do BQL DA tổ chức, có 15 đơn vị (siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể) đã ký hợp đồng và biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm RAT cho HTX và nhóm NDCST ở các địa phương. Tuy nhiên, thực tế thì mối quan hệ làm ăn giữa các đơn vị với HTX và hộ sản xuất RAT chưa đạt được kết quả như mong muốn.
* UBND tỉnh đã chỉ đạo BQL DA phối hợp với chính quyền các địa phương mở rộng diện tích và đối tượng tham gia sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, công việc này đã được thực hiện đến đâu?
- Chủ trương của tỉnh ta là tiếp tục mở rộng diện tích RAT tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Mục tiêu trong năm 2013 ổn định diện tích sản xuất 10 ha, sản lượng rau 200 tấn, tiêu thụ từ 140-160 tấn; năm 2014 tăng diện tích lên 15 ha, sản lượng 750 tấn, sơ chế và tiêu thụ 700 tấn.
VietGAP (chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường..........
Nhằm đạt được mục tiêu trên, BQL DA đã làm việc với chính quyền huyện Tuy Phước và Hoài Nhơn quy hoạch diện tích sản xuất RAT, lựa chọn và thành lập thêm 4 nhóm NDCST sản xuất RAT. Trong đó, tại huyện Tuy Phước có 2 nhóm được thành lập mới ở thôn Đại Lễ và thôn Tú Thủy, thuộc xã Phước Hiệp. Tại Hoài Nhơn thành lập 1 nhóm ở xã Hoài Thanh Tây và 1 nhóm ở thị trấn Tam Quan. Mỗi nhóm NDCST có khoảng 25 người, diện tích sản xuất 2 ha rau các loại.
Như vậy, đến nay tỉnh ta đã thành lập được 10 nhóm NDCST sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tây Sơn, Tuy Phước và Hoài Nhơn. BQL DA SKNTBV tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành chức năng ở địa phương hướng dẫn các nhóm NDCST sản xuất RAT đúng quy trình, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ logo, panô áp phích RAT cho các điểm bán rau tại các chợ. Chính quyền các địa phương cũng đang chỉ đạo các HTXNN củng cố tổ chức, nâng cao năng lực điều hành của các HTX tham gia DA, đồng thời mở rộng thêm diện tích đất và các nhóm NDCST sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sản xuất, tiêu dùng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP đối với sức khỏe cộng đồng…
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)