Hạn chế bạo lực học đường một mình nhà trường làm thôi chưa đủ
Ngày 18.4 vừa qua, Báo Bình Định có bài Phải cùng nhau ngăn chặn bạo lực học đường (link: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=122025) của Mai Mộng Tưởng. Bàn thêm về vấn đề này tôi cho rằng gia tăng bạo lực học đường là vấn nạn không riêng gì của ngành giáo dục mà cho toàn xã hội. Tình trạng bạo lực học đường không có chiều hướng giảm xuống dù cơ quan quản lý có nhiều hình thức răn đe, ngược lại mức độ vi phạm lại nghiêm trọng hơn.
Có thể nói lứa tuổi học sinh có tâm lý nhạy cảm, không ổn định về nhận thức nên rất dễ nổi loạn dẫn đến các hành vi, lời nói không đúng đắn. Trong hoàn cảnh đó, những người thầy cô giáo còn “non kinh nghiệm” cũng dễ có những hành vi đáp trả không thân thiện, vi phạm vào những điều quy định của đạo đức nhà giáo, nảy sinh tình trạng bạo lực không đáng có.
Tình trạng học sinh bạo lực với nhau thì dường như diễn ra tương đối phổ biến hơn vì nhà trường cũng là một xã hội thu nhỏ khi có nhóm bạn này, nhóm bạn kia gặp nhau dễ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến gây gổ đánh nhau. Chỉ cần lời nói không phải phép, cái nhìn nhau không thiện cảm, đứa học lớp sau không biết tôn trọng bậc đàn anh lớp trước,… là kéo nhau thách đố, đánh nhau giữa cá nhân này với cá nhân kia hoặc giữa nhóm học sinh này với nhóm học sinh khác. Không những giải quyết đánh nhau ở trong trường mà học sinh còn hẹn nhau ra ngoài địa điểm nào đó để “giải quyết”, với những hành động bạo lực nghiêm trọng như đánh, xé quần áo rồi quay phim đưa lên mạng cho hả hê.
Để hạn chế được nạn bạo lực học đường, theo tôi không thể chỉ cậy vào việc gia tăng mức độ răn đe để giải quyết, mà giải pháp căn cơ, chiếm vai trò quan trọng phải là những biện pháp hướng đến tâm lý.
Trong nguyên tắc giáo dục, gần như ai cũng thuộc lòng là cần tránh giáo điều khô cứng, phải tế nhị, linh hoạt thích hợp. Nhưng nói thì dễ, thực hành mới khó. Hơn nữa, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới con cái, hiểu con; ở lớp học, giáo viên cần sâu sát với học sinh và tạo điều kiện để học sinh chia sẻ với mình nhiều hơn, từ đó xây dựng môi trường học đường cởi mở, thân thiện và gần gũi giữa các học trò. Đặc biệt, trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn toàn diện với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Cùng với đó cần trang bị cho giáo viên những kiến thức tâm lý để vững vàng trong mọi tình huống và có kiến thức tư vấn hòa giải tốt các mâu thuẫn xảy ra giữa các nhóm học sinh...Và đặc biệt, tôi nghĩ khi đã bước chân vào trường học, đã đứng trên bục giảng tức là ta buộc mình phải bao dung với các em. Thoạt nghe có vẻ phi lý, không công bằng với thầy cô giáo, nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy khi mình đã lựa chọn vị trí người thầy thì mình chấp nhận phải kiên nhẫn với các em, phải rộng lòng yêu thương.
Trước khi các cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn những thông tin, phim ảnh, trò chơi, những nội dung mang tính bạo lực lôi kéo giới trẻ, có lẽ chính quyền và các ban ngành, tổ chức, đoàn thể nên chú tâm làm trong sạch môi trường xã hội xung quanh các cơ sở giáo dục trên địa bàn; các trường học cũng nên dành cho học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhiều sự quan tâm hơn.
VĂN THI HOÀNG