“Ðiện” trong đời sống
“Điện” là một từ thông dụng trong tiếng Việt. Nó phổ biến và quen thuộc đến mức nhiều người nghĩ rằng đây là một từ thuần Việt, mặc dù điện vốn không phải là phát minh của người Việt.
Điện du nhập vào Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX theo công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, khác với nhiều đồ vật có nguồn gốc từ Pháp được gọi bằng tên trong tiếng Pháp, điện lại có tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hán.
Người Việt đã mượn từ “điện” trong tiếng Hán để gọi tên cho “dạng năng lượng có thể biểu hiện bằng tác dụng nhiệt, cơ, hóa, thường dùng để thắp sáng, chạy máy”. Trong tiếng Hán, chữ “điện” thuộc bộ “vũ”, có nghĩa là “chớp”, tức “hiện tượng ánh sáng lóe mạnh rồi tắt ngay do sự phóng điện giữa hai đám mây hoặc giữa đám mây và mặt đất”; về sau mang thêm các nghĩa “dòng diện”, “bị điện giật”. Vào tiếng Việt, “điện” được Việt hóa hoàn toàn ở nét nghĩa “dòng điện”, dùng độc lập và tham gia tạo từ.
Trong tiếng Việt, bên cạnh những từ liên quan trực tiếp đến điện như điện năng, điện áp, điện thế, điện trở,…, còn có nhiều từ mang hình vị “điện” như điện ảnh, điện tín, bưu điện, điện thoại, điện toán, điện tử,… Những từ này đều có chung hình vị “điện” trong từ “dòng điện” bởi từ khởi thủy và cho đến tận bây giờ, các đồ vật như điện thoại, các hoạt động như điện tín, điện toán… đều liên quan trực tiếp đến dòng điện.
Năm 1894 được xem là mốc xác lập ngành điện ở nước ta với sự kiện điện được sản xuất, truyền tải và tiêu thụ như một mặt hàng kinh doanh đặc thù tại Hải Phòng. Đến nay, trải qua gần 125 năm, điện ngày càng có vai trò quan trọng. Sự phát triển ổn định của ngành điện có vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống xã hội.
Dưới góc độ ngôn ngữ, vai trò quan trọng của điện trong đời sống được thể hiện rõ qua việc lượng từ vựng liên quan đến điện chiếm số lượng khá lớn trong tiếng Việt và được dùng thường xuyên trong đời sống ngôn ngữ.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ