Sử gia Pháp ra mắt sách về chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuốn sách mới nhất của sử gia Pháp Pierre Journoud đã mở ra góc nhìn mới về tư duy chiến lược của Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bìa cuốn sách: Điện Biên Phủ-Sự kết thúc của một thế giới.
Cuốn sách dầy 475 trang về Điện Biên Phủ mở đầu với chương I mang tựa đề “Nghệ thuật chiến tranh Việt Nam”. Tác giả đặt câu hỏi, bao năm qua các học giả phương Tây thực sự đã nghiên cứu và hiểu được bao nhiêu về tư duy chiến lược quân sự của người Việt và đâu là cách mà người Việt Nam qua bao thế hệ tư duy về những cuộc chiến?
Để trả lời cho câu hỏi đó, Pierre Journoud đi sâu vào tìm hiểu các khía cạnh văn hoá, dân tộc và địa lý đã hình thành nên cách mà người Việt phản kháng trước sức ép bạo lực từ bên ngoài.
Đúc rút các chi tiết trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, sử gia Pháp nhận định người Việt qua bao thế hệ đã xây dựng được một tư duy chiến tranh độc đáo của riêng mình, với Trần Hưng Đạo là lý thuyết gia đầu tiên của chiến tranh du kích và chiến tranh tâm lý còn Nguyễn Trãi phát triển thành chiến tranh nhân dân và một tư duy chiến lược toàn diện gồm cả ba khía cạnh chính trị, quân sự và ngoại giao, với các khái niệm như “thời cơ”, “tâm công”, “vừa đánh vừa đàm”.
Các tư duy chiến lược này ra đời và được trui rèn bởi thực tế lịch sử khắc nghiệt là trong nhiều thế kỷ, người Việt luôn phải tiến hành các cuộc chiến phi đối xứng với các đối thủ mạnh hơn nhiều lần. Tất cả những điều đó tạo nên những kinh nghiệm quý giá và một phản xạ đã ăn vào máu thịt người Việt mỗi khi phải đứng lên bảo vệ tổ quốc của mình.
Nhưng với những đối thủ đến từ phương xa như đoàn quân viễn chinh Pháp, đó là những điều hoàn toàn xa lạ. Và Pierre Journoud tin rằng, chỉ bằng cách hiểu rõ và xuyên suốt qua nhiều thế kỷ những gì đã cấu tạo nên tư duy chiến lược và văn hoá chiến tranh của người Việt thì mới có thể lý giải được các thất bại của những đội quân phương Tây hùng mạnh, mà Điện Biên Phủ là điểm khởi đầu.
Các trang sách tiếp theo mở ra với chương về cuộc chiến trên các ngọn đồi tại Điện Biên. Bên cạnh các chi tiết về diễn biến chiến dịch, Pierre Journoud đi sâu hơn vào câu chuyện của những người lính tham gia trận chiến.
Từ phía Pháp là lời thú nhận đầy ám ảnh của anh lính trẻ Jacques Allaire, người kết thúc đời binh nghiệp với quân hàm Đại tá và mới trở lại Điện Biên cuối năm 2018, rằng chỉ muốn đào đất chui xuống khi bị pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam dội như ngày tận thế.
Và có cả những câu chuyện giản đơn và nhân văn của anh bộ đội Đỗ Ca Sơn khi bắt tay những lính Pháp bại trận và trả lời rằng đó là cái bắt tay với một kẻ bại trận hơn là một kẻ thù.
Nhưng, bất kể dưới góc nhìn nào, cuộc chiến tại Điện Biên Phủ vẫn là một thất bại đau đớn của giới tinh hoa quân sự và chính trị Pháp. Thất bại này đã mở màn cho sự chấm dứt của một thế giới – thế giới thực dân phương Tây.
Sử gia Pháp Pierre Journoud và cuốn sách mới ra mắt.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, thuật ngữ “hội chứng Đông Dương” xuất hiện trong hàng ngũ lãnh đạo nước Pháp. Trong chương mang tên “Ngày 14/7 của giải thực dân”, sử gia Pháp ghi lại những biến đổi lớn trong quân đội Pháp sau thất bại tại Việt Nam.
Sang chấn tâm lý khi bại trận về quân sự, bị bắt làm tù binh và buộc phải rời khỏi Đông Dương đã cực đoan hoá các sĩ quan Pháp, Tại Algeria, quân đội Pháp đã thử nghiệm các học thuyết mới gay gắt hơn được rút ra sau thất bại tại Điện Biên Phủ.
Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn, chống đối và khủng hoảng nghiêm trọng với giới chính trị cầm quyền, ở đây là Tướng De Gaulle, vào cuối những năm 50, đầu những năm 60, với đỉnh điểm là cuộc binh biến Alger năm 1961. Ngọn nguồn tất cả, là Điện Biên Phủ.
Bất chấp những thay đổi quyết liệt tại Algeria, quân đội Pháp cũng không ngăn được bước tiến của lịch sử khi Điện Biên Phủ đã tạo ra cú hích tinh thần quá lớn cho phần còn lại của hệ thống thuộc địa Pháp tại châu Phi.
Những gì diễn ra trong các năm tiếp theo đã là lịch sử nhưng địa danh Điện Biên Phủ không còn giới hạn ở tên của một cuộc chiến ở miền núi rừng Tây Bắc Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ.
Trong chương IV mang tên “Từ huyền thoại đến lịch sử”, Pierre Journoud kể lại ba tình huống của đầu thế kỷ 21, gồm cuộc chiến Iraq 2003, xung đột Liban-Israel 2006 và khi nước Pháp có ý định can dự vào Afghanistan năm 2008 thì địa danh “Điện Biên Phủ” lại được nhắc đến như một lời cảnh báo cho những ai muốn phiêu lưu quân sự.
Nói cách khác, “Điện Biên Phủ” đã được tính từ hoá để chỉ một nguy cơ thất bại bẽ bàng về quân sự cũng như sự cấp thiết cần phải rút lui về mặt chính trị.
Cuối cùng, hơn 6 thập kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, không phải tất cả đều đã bị quên lãng hay trôi đi êm ả. Trong chương cuối “Kết luận và hoà giải”, Pierre Journoud nhắc nhiều đến các vấn đề còn tồn tại của nước Pháp đối với với di sản tại Đông Dương, về cả cách chính quyền Pháp đối diện với lịch sử cuộc chiến Điện Biên Phủ.
Tác giả cũng đưa ra góc nhìn của một sử gia phương Tây đối với di sản của cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng trên tất cả, Pierre Journoud cho rằng, những nhân chứng sống cuối cùng của thế hệ Điện Biên Phủ ở cả Pháp và Việt Nam đều đang đi gần hết chặng đời, giờ là lúc để khép lại. Quan trọng hơn, hai nước Việt Nam và Pháp đều đã chứng minh mình có thể nhìn thẳng và vượt qua những ký ức đau đớn của quá khứ để xây dựng một mối quan hệ hữu nghị ngày càng quan trọng hơn với cả hai./.
Theo Quang Dũng /VOV